Ngày 17/4, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát sóng một bản tin về những trường hợp mắc bệnh tại trường Ngôn ngữ Quốc tế Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đồng thời khẳng định nồng độ chất độc trong đất và nước trong vùng vượt xa ngưỡng an toàn theo chuẩn quốc gia. Theo đài, khoảng 500 học sinh của trường đã mắc bệnh, bao gồm ung thư da, ung thư máu, ung thư bạch huyết.
Dư luận nổi giận
Sau khi bản tin của CCTV xuất hiện trên mạng xã hội Weibo, nó đã thu hút hơn 30 triệu lượt xem vào tối 18/4. Phần lớn người xem tỏ ra giận dữ trước sự tắc trách của chính quyền địa phương. Bộ Bảo vệ Môi trường cam kết sẽ điều tra vụ việc.
Việc Đài truyền hình trung ương phát sóng bản tin cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tỏ ra cứng rắn hơn đối với những công ty hóa chất trong bối cảnh sự bức xúc của công chúng đối với ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi một thảm kịch hóa chất khiến 165 người chết tại cảng Thiên Tân hồi năm ngoái.
Học sinh và phụ huynh tại trường Ngôn ngữ Quốc tế Thường Châu từng khiếu nại với chính quyền sở tại về tình trạng ô nhiễm trong khu vực từ tháng 12 năm ngoái, sau khi hàng chục học sinh phát ban và chảy máu mũi.
Trường mới được xây cạnh một bãi rác công nghiệp. Mùi thối cũng bốc lên quanh trường. Tuy nhiên, các quan chức bỏ qua mối lo của phụ huynh, đồng thời tuyên bố không khí, đất và nước ngầm ở địa phương đạt tiêu chuẩn an toàn quốc gia.
Học sinh ở nhiều tỉnh của Trung Quốc đang hứng chịu ảnh hưởng từ tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: BBC |
Lỗ hổng trong quản lý
Sự việc ở Thường Châu cũng cho thấy những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý chất độc hại ở Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã đạt một số thành tựu trong việc công bố dữ liệu ô nhiễm không khí và nước ngầm trong vài năm qua, họ vẫn chưa cung cấp dữ liệu về ô nhiễm đất ở từng địa phương và cũng chưa yêu cầu các doanh nghiệp công bố những chất mà họ xả ra ngoài.
Ma Jun, một nhà hoạt động vì môi trường, nhận định rằng nỗ lực của chính phủ trong hoạt động điều tra các vụ án ô nhiễm là một bước tiến tích cực. Nhưng ông cho rằng Trung Quốc cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để kiểm soát ngành công nghiệp hóa chất.
“Chính phủ phải xử lý triệt để vụ này. Tôi chỉ hy vọng chúng ta sẽ không dừng lại ở những vụ riêng lẻ. Chúng ta cần đánh giá tình hình một cách toàn diện”, Ma bình luận.
Trong một tuyên bố, tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh nhấn mạnh rằng, vụ việc cho thấy công tác quản lý hóa chất độc ở Trung Quốc “lỏng lẻo một cách nguy hiểm”.
Ô nhiễm đất, nước và không khí đã trở thành vấn đề nan giải ở Trung Quốc sau khi nền kinh tế phát triển không bền vững trong nhiều thập kỷ. Khói mù thường xuyên bao trùm một khu vực rộng lớn, gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, trong những năm gần đây.
Nhiều "làng ung thư" xuất hiện bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đất. Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm cứu vãn tình hình, như ban hành các tiêu chuẩn không khí sạch, lập các trạm nghiên cứu, giám sát tình hình đồng thời di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi các thành phố lớn.
Bầu không khí bẩn là nguyên nhân khiến rất nhiều người giàu ở Trung Quốc đã hoặc đang tính chuyện rời khỏi đất nước để định cư ở nước ngoài.