Hướng đi này nhằm đa dạng tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị nông sản cho nông dân.
Hàng loạt mặt hàng “nóng” như vải, thanh long, xoài, nhãn... đang được tính đến để đưa vào tiêu thụ tại hàng loạt nhà hàng, khách sạn.
Đưa vải, xoài đến tận phòng khách sạn
Trưa 10/6, ông Kim Seng Chul (Hàn Quốc) bày tỏ sự thích thú khi được nhân viên khách sạn Beautiful Saigon, 62 Bùi Viện, quận 1, TP HCM phục vụ miễn phí trái vải. “Đất nước chúng tôi có khá nhiều cây trái, tuy nhiên khi đến Việt Nam, sự phong phú của các loại trái cây khiến chuyến du lịch thêm nhiều ý nghĩa.
Ngoài việc thưởng thức cảnh đẹp, mỗi ngày chúng tôi có những trải nghiệm thú vị qua những món ăn độc đáo cùng hương vị trái cây mới lạ, như vải, thanh long, xoài...”, ông Kim bày tỏ.
Cũng theo ông Kim, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo công tác bảo quản chất lượng, để đưa những sản phẩm trái cây sang Hàn Quốc, sẽ được người dân đón nhận nhiệt tình.
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, đại diện chuỗi khách sạn Beautiful Saigon, việc phục vụ trái cây miễn phí cho khách lưu trú tại hệ thống khách sạn được thực hiện nhiều năm nay. Nhiều trái cây theo mùa (gồm 3-5 loại) được đựng trong giỏ mây tre cách điệu bắt mắt, đặt trong phòng, trở thành điểm nhấn thu hút du khách.
“Mỗi giỏ trái cây có giá 35.000-50.000 đồng tạo nên sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách khi xem phòng hoặc đặt phòng qua mạng. Bởi nhiều khách sạn chủ yếu dùng trái cây giả phục vụ bài trí, trong khi hầu hết du khách đến Việt Nam đều có nhu cầu thưởng thức trái cây trong nước”, bà Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, khi khách sạn không phục vụ, khách vẫn thường ra ngoài tìm mua trái cây, tuy nhiên chất lượng không đảm bảo, giá cao. Chỉ tính riêng việc phục vụ miễn phí trái cây trong phòng cho du khách, chuỗi khách sạn Beautiful Saigon gồm 6 khách sạn với 110 phòng đã bỏ ra 30-40 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính việc trái cây mua để phục vụ khách tại các sảnh đợi, tiệc buffet sáng...
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), cho biết, hiện nay việc phục vụ trái cây cho du khách được khá nhiều khách sạn thực hiện. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa được bài bản, đồng bộ.
Theo ông Thọ, việc giải quyết bài toán đầu ra cho trái cây đòi hỏi các cơ quan ban ngành vào cuộc trong công tác xúc tiến, quảng bá, bảo quản sau thu hoạch... Tuy nhiên, riêng đối với ngành du lịch, việc đưa trái cây theo mùa vào khách sạn phục vụ du khách nước ngoài, góp phần xuất khẩu tại chỗ một cách nhanh chóng.
Ngành du lịch hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ trái cây
Chiều cùng ngày, VITA đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trong ngành du lịch và hội viên, nhằm triển khai chương trình “Hoa quả - sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam”. Trong đó, trước mắt tập trung vào việc hỗ trợ nông dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh tiêu thụ vải thiều đang vào mùa thu hoạch.
Cụ thể, VITA kêu gọi các doanh nghiệp du lịch hội viên, gồm các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng... đưa vải thiều thành hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho khách du lịch. Các hãng lữ hành vận động du khách tiêu thụ trực tiếp vải thiều trong tour, cũng như làm quà...
Về dài hạn, VITA đề nghị các khách sạn đưa quả vải thành thực phẩm chính thức của khách sạn trong mùa thu hoạch hàng năm. Các hãng lữ hành khảo sát, xây dựng tour tham quan, thưởng ngoạn các trang trại vải.
Đoàn du khách Úc thích thú thưởng thức trái cây miễn phí sau bữa trưa tại khách sạn Beautiful Saigon 2 (quận 1, TP HCM). |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết, các khối doanh nghiệp lưu trú, khách sạn sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và quảng bá du lịch.
Theo ông Thọ, hiện cả nước có khoảng 365.000 phòng, riêng khách sạn 3-5 sao có khoảng 80.000 phòng. Do đó, lượng lớn trái cây sẽ được tiêu thụ khi các khách sạn bắt tay liên kết, đưa sản phẩm trái cây theo mùa phục vụ trong các bữa ăn, tiệc, hoặc để trong phòng để khách thưởng thức.
“Thời điểm này, trái vải đang vào vụ thu hoạch. Nếu chỉ tính số phòng khách sạn 3-5 sao với mức tiêu thụ 0,5 kg một ngày, công suất phòng 70% thì có khoảng 15 tấn trái cây được tiêu thụ mỗi ngày”, ông Thọ tính toán.
Cũng theo ông Thọ, các khách sạn lớn nên dành khoảng không gian sử dụng trái cây để bài trí, góp phần làm đẹp, phong phú sản phẩm du lịch, cũng như quảng bá hiệu quả sự đa dạng trái cây, nông sản nước nhà.
“Việc đưa trái cây vào hệ thống khách sạn cũng như trong các tour tuyến còn là sự tri ân với người nông dân. Bởi các sản phẩm nông nghiệp từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo cho du lịch nước nhà. Các tour du lịch sinh thái, tham quan nhà vườn, cùng nông dân trồng lúa, thu hoạch rau, bắt cá... được các doanh nghiệp trong ngành khai thác hiệu quả. Đến nay, nông dân gặp khó, các doanh nghiệp cần chung tay ủng hộ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”, ông Thọ khẳng định.
Xây dựng chuỗi giá trị nông sản
Tại buổi kết nối tiêu thụ trái vải của hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với thị trường TP HCM sáng 10/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết, từ hoạt động kết nối, tiêu thụ trái cây và với những đề xuất của tỉnh Hải Dương cũng như Bắc Giang trong việc tiêu thụ trái vải, tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức xây dựng đề án thí điểm về tổ chức sản xuất, canh tác, tiêu thụ trái vải theo chuỗi giá trị. Bao gồm tất cả các khâu từ tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, theo hướng tạo ra sự gắn kết của các doanh nghiệp với người lao động, nông dân, để đảm bảo giá trị gia tăng cho trái vải.
Theo ông Tuấn Anh, sản lượng vải tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 60%, cho thấy dư địa thị trường nội địa rất lớn. Vấn đề đặt ra là công tác tổ chức phân phối, lưu thông cần có kế hoạch sớm, cụ thể, sẽ tránh được việc ách tắc đầu ra của trái vải.
Theo ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, dù chất lượng trái vải đầu vụ năm nay không bằng năm ngoái, nhưng nhờ chủ động kết nối, tiêu thụ và đa dạng thị trường xuất khẩu, hiện giá vải trung bình tại địa phương này ở mức 12.400 đồng/kg, cao hơn năm ngoái.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cũng cho biết, dù địa phương vào mùa thu hoạch vải chính vụ nhưng với sự chủ động kết nối tiêu thụ tại nhiều địa phương, giúp giá vải dao động 7.000-15.000 đồng/kg, một mức giá khả quan với nông dân.
Thanh long giá bèo... 1.000 đồng/kg
Chỉ mới bắt đầu vào vụ thanh long (mùa thuận) nhưng loại trái cây này ở Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An) đã rớt giá thê thảm, nhiều nhà vườn vứt bỏ cho gà ăn.
Hiện giá thanh long đạt chuẩn xuất khẩu phổ biến quanh mức 4.000-6.000 đồng/kg (cả ruột trắng và ruột đỏ). Riêng số thanh long không đạt chuẩn chỉ bán được với giá 1.000 đồng/kg cho các hộ dân ở các chợ nhỏ, hoặc dọc các tuyến đường giao thông, để họ bán lại cho khách vãng lai với giá 2.000 đồng/kg.
Ông Đặng Văn Dự, nông dân trồng thanh long ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành (Long An), cho biết, thanh long vào vụ giá rẻ xưa nay không có gì lạ, nhưng rẻ đến mức này khiến nhiều người trồng thanh long điêu đứng.
“Với giá này, nếu trừ chi phí phân bón, nhân công... coi như huề vốn. Bởi nếu tính trung bình mỗi công thanh long ruột đỏ vụ này thu được từ 500-700 kg. Chỉ hơn phân nửa sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn lại phải bán giá bèo hoặc bỏ. May là mùa này thanh long tự nhiên cho trái, chứ nếu chong đèn thì coi như lỗ nặng”, ông Dự nói.
Một thương lái mua bán thanh long có tiếng ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: “Cũng là mặt hàng trái cây, song trái vải lại được các cơ quan chức năng rầm rộ vào cuộc, để tìm thị trường tiêu thụ, còn thanh long thì khá im ắng, thương lái chúng tôi phải tự tìm thị trường tiêu thụ, nên sao cạnh tranh lại, giá thanh long giảm là điều khó tránh khỏi”.
Trong khi đó, giải thích nguyên nhân vì sao giá thanh long giảm sâu, nhất là thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, cho biết, ngoài lý do thu hoạch rộ, thanh long ruột đỏ chỉ xuất khẩu được ở các thị trường liên quan đến người gốc Hoa, nên hễ thị trường này tiêu thụ yếu thì giá lập tức giảm ngay.