Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trách nhiệm của Công ty nước sạch sông Đà lớn hơn một lời xin lỗi

Các chuyên gia nhận định Viwasupco xin lỗi người dân đơn thuần do chịu sức ép từ phía dư luận chứ không thực sự nhận trách nhiệm. Đó chỉ là lời xin lỗi suông.

Ngày 25/10, hơn 2 tuần sau khi xảy ra vụ nước sinh hoạt nhiễm dầu, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà đưa ra lời xin lỗi và cho biết sẽ miễn phí 1 tháng tiền nước cho khách hàng.

Viwasupco thừa nhận chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, công ty này hoàn toàn không đề cập đến việc sẽ đền bù thiệt hại người dân phải gánh chịu suốt 2 tuần vừa qua.

Lời xin lỗi muộn màng

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia thuộc Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho rằng lời xin lỗi chỉ mang tính xoa dịu dư luận, không có ý nghĩa về mặt pháp lý.

cong ty nuoc sach song Da xin loi anh 1
Nước sinh hoạt của người dân nhiễm bẩn nghiêm trọng do dầu thải. Ảnh: Việt Linh.

"Xin lỗi không phải họ nhận lỗi về mặt pháp lý, họ nhận lỗi là do sức ép dư luận buộc họ phải có thái độ cầu thị, về mặt đạo đức. Nên bức thư xin lỗi này không có giá trị về quy trách nhiệm", luật sư Lập phân tích.

Theo ông Lập, việc công ty thừa nhận lúng túng, chưa có kịch bản xử lý vụ việc nên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, là cách nói giảm nhẹ trách nhiệm. Trong khi đó, trách nhiệm trong sự cố nước sông Đà của công ty này lớn hơn rất nhiều.

"Họ nhận lỗi, nhưng không có nghĩa họ nhận trách nhiệm. Việc người dân kiện, đòi hỏi quyền lợi từ công ty này sẽ rất khó khăn nếu công ty không nhận trách nhiệm về mình", ông Lập nói.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, cho rằng lời xin lỗi của Nhà máy nước sông Đà rất hình thức và khó chấp nhận.

"Đối với người dân, quan trọng nhất không phải lời xin lỗi, mà là cách hành xử của công ty cấp nước trong lúc xảy ra khủng hoảng. Các thiệt hại cũng đã gây ra rồi, người dân sử dụng phải nước bẩn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe rồi, nhưng tôi không thấy công ty này nói đến sẽ đền bù các thiệt hại cho người dân. Đây chỉ là lời xin lỗi suông", GS Hoàng Hải bức xúc.

Theo vị chuyên gia, niềm tin của người dân với đơn vị cấp nước đã bị sứt mẻ nghiêm trọng, việc công ty nước đưa ra lời xin lỗi lúc này khó có thể xoa dịu được tình hình. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng lãnh đạo công ty nên trực tiếp xin lỗi vì những phát ngôn trước đó.

"Phát ngôn của lãnh đạo công ty nói mình chỉ là người làm thuê, tôi cho rằng là không thể chấp nhận được. Công ty cấp nước cho cả triệu người mà người đứng đầu lại nói như phủi mọi trách nhiệm. Vậy an toàn, sức khỏe của cả triệu người thì ai chịu trách nhiệm nếu không phải vị tổng giám đốc làm thuê kia?", ông Hải đặt câu hỏi.

Cùng với lời xin lỗi, Công ty nước sạch sông Đà sẽ cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước) cho người dân. Tuy nhiên, việc này cũng được các chuyên gia nhận định là mang tính chất hình thức.

GS Hoàng Hải cho rằng trong hơn 2 tuần vừa rồi, nước do công ty này cung cấp bị nhiễm bẩn nghiêm trọng, người nào chưa dùng còn phải cảm thấy may mắn vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên công ty này nói rằng miễn phí nhưng thực chất đây là một dạng đền bù thiệt hại do công ty này gây ra cho khách hàng.

cong ty nuoc sach song Da xin loi anh 2
Gần 1 triệu người dân Hà Nội lao đao vì nước sạch nhiễm bẩn. Ảnh: Duy Hiệu.

Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm

Nhấn mạnh lại về vụ việc, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng mọi thiệt hại của người dân phải gánh chịu những ngày vừa qua đều có thể quy được ra bằng tiền. Nên các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm của Công ty nước sông Đà, từ đó có các hình thức xử lý hành chính và bồi thường thỏa đáng cho người dân.

"Ở đây ta mới thấy họ nhận trách nhiệm sẽ cấp nước miễn phí cho người dân để giải quyết khủng hoảng, chứ họ không hề nhận trách nhiệm sẽ bồi hoàn tất cả các chi phí phát sinh cho người dân", vị luật sư nói.

Theo ông Lập, có các thiệt hại quy được ra tiền như mua nước, thau rửa bể, các thiết bị trong nhà, có những hộ dân thiệt hại cả chục triệu đồng. Ngoài ra, những thiệt hại về sức khỏe thì chứng minh cũng rất khó và nhiều thiệt hại khác về tinh thần, công sức.

"Chắc chắn là công ty này có lỗi, nhưng lỗi đến đâu, vi phạm như thế nào còn tùy thuộc các quy định trong hợp đồng với khách hàng. Ngoài ra, trách nhiệm của họ ra sao sau khi gây ra các thiệt hại cho người dân. Tất cả những yếu tố đó cần được đưa ra xem xét để có các quyết định xử lý cho phù hợp", ông Lập phân tích.

Còn GS Hoàng Hải thì tỏ ra băn khoăn với các hành xử của chính quyền thành phố Hà Nội cũng như tỉnh Hòa Bình. Ông cho rằng từ khi vụ việc xảy ra, đã 2 tuần, Hà Nội cũng nhận biết công ty này có biểu hiện giấu giếm, việc đổ dầu thải, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ quyết định xử lý hành chính nào được đưa ra.

Ông cho rằng các cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm, nếu để công ty này tiếp tục vi phạm cần có các hình thức xử lý quyết liệt và nghiêm khắc hơn.

"Bán đồ ăn bẩn thì tịch thu giấy phép kinh doanh, xử phạt ngay. Vậy sao bán nước sinh hoạt bẩn cho người dân mà lại không có bất kỳ hình thức xử lý, truy cứu trách nhiệm nào được đưa ra? Điều này rất khó hiểu", vị chuyên gia bày tỏ.

Vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà diễn ra thế nào? Sáng 8/10, 3 nghi phạm dùng ôtô chở 10 thùng dầu thải xả ra đầu nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà (Hòa Bình), gây khủng hoảng nước cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội.

Ngày 10/10, người dân 8 quận, huyện ở Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi lạ khó chịu. Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn.

Trong cuộc họp báo do Hà Nội và Hòa Bình tổ chức, lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch sông Đà không thừa nhận trách nhiệm, cho rằng công ty mới là nạn nhân lớn nhất. Họ không đưa ra lời xin lỗi với người dân.

Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm đổ dầu thải là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú.

Số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án.

Nhiều công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đã lỗi thời

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay sau 11 năm đưa vào sử dụng, công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đã lỗi thời, đặc biệt, không có hệ thống cảnh báo tự động.



Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm