Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Câu hỏi cho chính quyền Hà Nội sau Rạng Đông và nước bẩn

Câu hỏi lớn về khả năng ứng phó, xử lý khủng hoảng của chính quyền Hà Nội được đặt ra sau liên tiếp các sự cố môi trường, từ vụ cháy Rạng Đông đến nước nhiễm dầu thải.

Nang luc chinh quyen Ha Noi nhin tu vu nuoc ban anh 1Nang luc chinh quyen Ha Noi nhin tu vu nuoc ban anh 2

Câu hỏi lớn về khả năng ứng phó, xử lý khủng hoảng của chính quyền TP Hà Nội được đặt ra sau liên tiếp các sự cố môi trường, từ vụ cháy Rạng Đông đến nước nhiễm dầu thải làm đảo lộn cuộc sống của hơn 1 triệu người dân thủ đô.

Sự chậm trễ công bố thông tin không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả từ chính quyền khiến người dân Hà Nội hoang mang. Trao đổi với Zing.vn, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng càng trong khủng hoảng, chính quyền càng phải là chỗ dựa cho dân. Tuy nhiên, ông không nhìn thấy điều đó trong cách hành xử của chính quyền TP Hà Nội.

Hơn 1 tuần kể từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông (28/8), UBND Hà Nội mới tổ chức cuộc họp về vấn đề này dưới sự chủ trì của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung. Trước đó, TP liên tục đưa ra các thông báo bất nhất về mức độ ô nhiễm xung quanh nhà máy, đặc biệt là hàm lượng thủy ngân đã bị phát tán trong không khí. 

Một tháng sau, khi những lo lắng về nhiễm độc thủy ngân chưa kịp lắng xuống thì hơn 1 triệu người dân Hà Nội tiếp tục hoang mang bởi nước sinh hoạt từ Công ty nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải. Doanh nghiệp bưng bít rồi từ chối xin lỗi vì cho rằng công ty là "nạn nhân lớn nhất". Còn người Hà Nội, dù trưa hay chiều, ngày hay đêm, vẫn phải xếp hàng để lấy từng can nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. TP Hà Nội, một lần nữa, lại là phía lên tiếng sau cùng.

Không ai chịu trách nhiệm

- Hà Nội liên tiếp gặp phải sự cố môi trường, từ vụ cháy Rạng Đông phát tán thủy ngân vào không khí cho đến vụ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước của nhiều quận nội thành. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu về chính sách công, ông đánh giá như thế nào về cách ứng phó sự cố của chính quyền TP?

- Trong những tình huống này, tôi nhìn nhận đó là sự vô trách nhiệm tập thể. Sự vô trách nhiệm đó không chỉ từ phía chính quyền mà còn từ phía doanh nghiệp và cộng đồng. Nhà nước - Thị trường - Cộng đồng chính là ba trụ cột của xã hội. Từ vụ Rạng Đông đến nước nhiễm dầu thải, không có bất kỳ ai trong số ba trụ cột này thể hiện trách nhiệm của mình.

Điểm sáng nhất trong việc xử lý khủng hoảng sau vụ cháy Rạng Đông là văn bản khuyến cáo của phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) về việc người dân không được sử dụng nước, thực phẩm, rau củ trong bán kính 1 km từ tâm vụ cháy. Tuy nhiên, ngay sau đó, dưới áp lực của quận, văn bản này đã bị thu hồi. Nhìn vào đó, chúng ta chỉ thấy mọi chỉ đạo từ phía chính quyền cứ loạn cả lên.

Nang luc chinh quyen Ha Noi nhin tu vu nuoc ban anh 3

Trong vụ nước nhiễm dầu thải, đáng lý ra chính quyền phải là chỗ dựa cho người dân. Càng trong tình huống khẩn cấp, chính quyền càng phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình. Nhưng tôi không thấy điều đó ở cách hành xử của chính quyền thành phố Hà Nội.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, mục tiêu của họ là lợi nhuận. Khi sự cố xảy ra, họ cố tình bưng bít, che đậy để giảm thiệt hại. Nhưng đây là một trường hợp quá nghiêm trọng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng cũng bị gạt ra hết.

Còn về cộng đồng, tôi thấy nhiều người lên báo, lên mạng xã hội chỉ trích chính quyền, doanh nghiệp. Dĩ nhiên, họ có quyền chỉ trích vì đời sống của họ bị đảo lộn vì nước bẩn. Nhưng chỉ trích rồi thì sao? Tôi không thấy nhóm nào đứng ra thể hiện vai trò của mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng và đòi hỏi trách nhiệm từ phía chính quyền và doanh nghiệp hay có những hoạt động thiết thực để tổ chức các hoạt động cộng đồng cùng chung tay giải quyết vấn đề.

Tôi thấy mỗi khi Nhật Bản có thảm họa nào đó thì tin tức về một xã hội có tổ chức được tung hô rất nhiều với sự ngưỡng mộ rất lớn và hàm ý đưa ra là chúng ta cần phải học hỏi họ. Tuy nhiên, khi chính điều đó xảy ra ở ta, cơ hội đến, dù không mong muốn, thì chẳng thấy ai áp dụng hay đứng ra làm.

- Theo ông, vì sao lại có hiện tượng thiếu trách nhiệm một cách có hệ thống như vậy?

- Tôi nghĩ đó là hệ quả của bao nhiêu năm thực hành chủ nghĩa tập thể. Cả xã hội, cộng đồng không ai quan tâm đến cái chung, đến tài sản tập thể như sân chơi, công viên, khu công cộng. Họ chỉ lo vun vén, cơi nới căn hộ, mảnh đất hay không gian của mình.

Thực tế, trong suốt nhiều năm, Nhà nước đã làm cả những việc Nhà nước không cần làm hoặc không thể làm, còn cộng đồng bị gạt ra ngoài. Tiếng nói của họ rất hạn chế trong việc quyết định các vấn đề ảnh hưởng đến chính đời sống của mình.

Ở phía cộng đồng, chỉ trích thì rất dễ. Nhưng ai sẽ là người đứng ra tổ chức các hoạt động đòi lại quyền lợi cho cộng đồng, ai đưa ra giải pháp cho sự cố, ai sẽ có những hành động cụ thể để bảo vệ tài sản chung? Ngược lại, tôi thấy tình trạng rất phổ biến hiện nay là la lối, phản đối, hoặc những người có điều kiện hơn thì tìm cách chuyển đi đến những nơi có điều kiện tốt hơn. Nhưng điều đó không làm tình hình tốt hơn. Chỉ một số rất nhỏ có điều kiện ra đi, còn hàng triệu người khác vẫn sống chung với những vấn đề trầm kha của xã hội thì sao?

- Nhưng trong tình huống cụ thể của vụ cháy Rạng Đông và ô nhiễm nguồn nước, kỹ năng quản trị của chính quyền TP Hà Nội cũng bị đặt một dấu hỏi rất lớn?

Nang luc chinh quyen Ha Noi nhin tu vu nuoc ban anh 4

- Quản trị như đề cập ở đây chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Nó chỉ liên quan đến việc phân công trong bộ máy, ai sẽ phát ngôn, ai sẽ ra thông báo. Nhưng bản chất câu chuyện lại khó xử lý hơn nhiều. Ví dụ, khi sự việc xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai, ai sẽ là người gánh trách nhiệm đó. Trong trường hợp của Hà Nội, người đứng đầu TP sẽ phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho người này người kia rồi cuối cùng trách nhiệm chả thuộc về ai cả.

Ở nhiều nơi khác trên thế giới, họ cũng phải đối mặt với các sự cố nằm ngoài khả năng dự liệu. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, thị trưởng sẽ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và có thể ông ta phải từ chức ngay. Hệ thống của chúng ta không đổ lỗi cho chủ tịch hay bí thư thành phố được. Vì ông ấy chỉ là một mảnh ghép trong tập thể đó.

Tình trạng này nếu kéo dài quá lâu cũng sẽ dẫn đến một thái cực hoàn toàn khác, đó là dân túy. Một vài lãnh đạo sẽ tìm cách lấy lòng công chúng bằng những phát ngôn quyết liệt, gây sốc. Và cuối cùng thì người dân vẫn sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Vậy sửa chữa nó như thế nào? Tôi nghĩ rằng chỉ có cách tăng quyền cho lá phiếu của cử tri. Lá phiếu đó phải trở thành một áp lực đúng nghĩa với người được bầu. Những người chọn rời bỏ thành phố ra đi mà chúng ta thường gọi “bỏ phiếu bằng chân” chỉ là một cách. Làn sóng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội của thủ đô.

Chỉ trích rất dễ nhưng ai sẽ hành động?

- Từ vấn đề của Hà Nội và chứng kiến cách chính quyền địa phương ở Nhật Bản ứng phó với cơn bão Hagibis vừa qua, ông nhìn thấy điều gì?

- Không chỉ ở Nhật Bản mà nhiều nước khác, chính quyền hoạt động tốt thì phải có sự hỗ trợ của cộng đồng. Nhà nước phải có người dân đứng sau làm chỗ dựa thì mới hoàn thành tốt vai trò của mình được. Cái thiếu ở Việt Nam là sự gắn kết giữa Nhà nước với cộng đồng. Cơn bão ở Nhật cho chúng ta thấy sự gắn kết đó.

Ở Hà Nội mấy năm trước đều có lễ hội hoa anh đào. Người Nhật đã mang hoa anh đào đến quảng bá văn hóa của họ. Nhưng chúng ta thấy gì, đó là cảnh giẫm đạp, hái hoa, bẻ cành. Nhìn vào đó sẽ thấy đó không chỉ là câu chuyện của chính quyền, mà đó là câu chuyện của người dân về ứng xử, ý thức của họ đối với tài sản chung của cộng đồng. Hà Nội trong tương lai gần sẽ gặp nhiều thách thức hơn nữa khi ý thức của người dân vẫn là mạnh ai nấy lo, không quan tâm đến cộng đồng.

Đổ lỗi hay chỉ trích Nhà nước hay cơ chế thị trường là việc dễ, cái khó hơn là cộng đồng cũng phải thấy vai trò và trách nhiệm của mình.

- Nhưng đang có rất nhiều rào cản để một cá nhân đứng ra lên tiếng, đại diện?

- Đúng, nếu một ai đó đứng ra thì sẽ bị chụp mũ với rất nhiều vấn đề. Và những người chỉ trích nhiều nhất trên mạng, những anh hùng bàn phím cũng không đứng ra đấu tranh.

Thực chất, thiết chế xã hội phải vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Xã hội không thể tiến lên được nếu người dân chỉ nghĩ đến đi kiện thôi đã sợ rắc rối.

Vì thế, khi sự việc xảy ra, không ai thấy đó là trách nhiệm của mình. Từ người dân, chính quyền, doanh nghiệp, không ai có ý nghĩ đó chứ chưa nói đến hành động. Do vậy, những người dám đứng lên nói lên tiếng nói của người dân phải được xã hội tôn vinh. Lên tiếng không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Trong những vấn đề xã hội như vậy, mọi người phải chung tay thì mới có thể thay đổi, chứ không thể cứ trông chờ vào Nhà nước. Tiếng nói phản biện của cộng đồng là cực kỳ quan trọng trong công việc điều hành của Nhà nước.

Vụ Rạng Đông và nước bẩn ở Hà Nội thực ra là tấm gương phản ánh năng lực phản biện của người dân và vai trò của cộng đồng. Khi năng lực đó yếu, chính quyền sẽ thấy rằng không cần phải sốt ruột vì người dân sẽ chịu đựng điều đó.

Nang luc chinh quyen Ha Noi nhin tu vu nuoc ban anh 5Nang luc chinh quyen Ha Noi nhin tu vu nuoc ban anh 6

- Vậy theo ông, Hà Nội nên làm gì, từ vị trí của chính quyền và cả người dân?

- Chính quyền phải thể hiện trách nhiệm của mình, họ phải đứng về phía người dân. Trong vụ Rạng Đông, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chính quyền đứng ra nhận trách nhiệm và nỗ lực giải quyết sự cố, chứ không chỉ chờ đợi để tìm ra kẻ để đổ lỗi. Việc phản ứng với các sự cố hay thảm họa phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phán đoán của người lãnh đạo. Trong một hệ thống được thiết kế tốt, lãnh đạo phải đứng ra chịu trách nhiệm, ra lời tuyên bố, hướng dẫn người dân. Trong cả hai sự cố môi trường, Chủ tịch TP Hà Nội nên là người đứng ra công bố mọi thông tin cho người dân biết.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta còn tranh cãi về những điều nhỏ nhất như mức độ nào được coi là thảm họa cần lãnh đạo cao nhất lên tiếng. Vì vậy, khi sự việc xảy ra, ai cũng ngồi chờ quy trình. Những quy định chỉ được đưa ra để ứng phó với những tình huống thông thường, không có quy định cho sự cố ở mức thảm họa.

Về phía người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu phải nâng cao trách nhiệm với cộng đồng. Cuộc sống của người dân không phải chỉ lo cơm áo gạo tiền. Chúng ta cần những người bảo vệ công lý và theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Bí thư Hà Nội nói về sự chậm trễ của TP vụ nước sông Đà nhiễm dầu

Trước vấn đề cho rằng Hà Nội đã ứng phó chậm trễ trong sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng đã nói và thành phố đã rút kinh nghiệm.

Hà Hương thực hiện

Ảnh: Hoàng Đông - Việt Linh - Đồ họa: Minh Hồng

Bạn có thể quan tâm