Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, nguồn nước mặt sông Đà có rất nhiều điểm cần phải bảo vệ, diện tích trải dài nên việc quản lý, bảo vệ an ninh nguồn nước gặp nhiều khó khăn.
"Từ thành phần thô nước mặt sông Đà, rồi vào kênh dẫn để đưa vào hồ Đầm Bài. Sở Xây dựng sẽ liên tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điểm còn hở, còn yếu và quy rõ trách nhiệm. Chỗ nào của chính quyền, chỗ nào của nhà máy sản xuất, chỗ nào của đơn vị truyền dẫn, phân phối", ông Dục cho hay.
Ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng UBND Hà Nội. Ảnh: Xuân Mai. |
Khó khăn quản lý nước đầu nguồn
Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh nước sinh hoạt phải được giám sát từ nguồn nước thô cho đến khi ra đến nước tinh cho người dân. Ngoài ra, ông Dục cũng cho biết sẽ đề xuất thành phố cho ban hành cả cơ chế bảo vệ nguồn nước.
"Về việc xây tường rào, ngăn cách, bảo vệ nguồn nước, hồ Đầm Bài có diện tích lớn lến đến 16 km2, bảo vệ rất khó. Bên cạnh đó, hồ còn sử dụng cho cả tưới tiêu. Chúng ta phải tách ra ngay để bảo vệ, phần nước thô để sản xuất thì không được trộn phần chung của nhân dân nữa", ông Dục cho hay.
Tại buổi thông tin báo chí, ông Lê Văn Dục cũng cho biết Nhà máy nước sông Đà được đưa vào hoạt động 11 năm, nên việc các hệ thống, công nghệ xử lý bị lỗi thời là không tránh khỏi. Trong đó, ông cho biết công nghệ của nhà máy vẫn chưa có hệ thống cảnh báo tự động, cũng như hệ thống xử lý Nano.
"Chủ tịch UBND TP, cũng như Bí thư và chúng tôi đã rà soát, kiểm tra và nhận thấy một số công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đúng là quá cũ rồi. Thay nhà máy thì không khả thi, nhưng bổ sung công nghệ thì có thể làm được. Như nhà máy nước ở Paris xây dựng từ năm 1932, đến năm 1954 họ thay mới 1 công nghệ, năm 1981 thay 1 cái, năm 2012 thay thêm 1 cái nữa, nước rất sạch", ông Dục nêu ý kiến.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng nếu Nhà máy nước sông Đà có công nghệ Nano thì nước rất sạch, không bao giờ còn mùi và các thành phần có hại khác nữa.
Khắc phục sự cố, không để tái diễn
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc thành phố có tiếp tục để Nhà máy nước sông Đà cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thủ đô không, ông Lê Văn Dục cho biết đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt, là công trình đặc biệt nên nhà máy vẫn hoạt động bình thường.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục tại buổi họp báo. Ảnh: Xuân Mai. |
"Đây là sự cố đáng tiếc, chúng ta phải cố gắng khắc phục không để xảy ra sự cố này nữa. Bây giờ, chúng ta sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm và sẽ bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và sẽ báo về các sở ngành của Hà Nội ngay khi có vấn đề phát sinh", vị này cho hay.
Trước đó, Zing.vn có đặt câu hỏi về quan điểm của thành phố khi chính quyền lại chậm trễ trong phản ứng, cảnh báo trong vụ việc nước sạch sông Đà, trước đó là sự cố vụ cháy Rạng Đông. Ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng UBND Hà Nội cho biết thành phố sẽ tiếp thu và cố gắng hết sức để cải thiện trong thời gian tới.
"Như thông cáo báo chí đã nêu rõ, ngày 8/10 người dân có phản ánh về chất lượng nước thì sau đó 6 ngày, ngày 14/10, thành phố mới nhận được báo cáo chính thức từ phía nhà máy. Trước đó, TP đã tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra và có phương hướng xử lý rồi", ông Định nói.
Người phát ngôn UBND Hà Nội cho rằng việc điều hành, quản lý gần 10 triệu dân thì rất nhiều sự việc hàng ngày xảy ra. Đây là vụ việc nóng nên UBND Hà Nội đã tập trung xử lý, huy động các cơ quan, các sở ngành cùng tham gia.
"Thành phố, các sở ngành đã cố gắng tối đa. Qua vụ việc này, cơ quan sở ngành chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, cố gắng hơn nữa làm tròn phận sự của mình trong thời gian tới", ông Định chia sẻ.
Ngày 10/10, người dân nhiều quận, huyện của Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt nhiễm dầu và nồng nặc mùi clo. TP Hà Nội sau đó khuyến cáo người dân không ăn, uống nước này và cung cấp miễn phí nước sạch bằng xe téc và các trạm nước không sử dụng nước sông Đà.
Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) lúc này mới ra thông báo tạm ngừng cấp nước. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.
Ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ 2 người liên quan là Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, quê Lạng Sơn). Người thuê Đại và Thám đổ dầu là Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh) cũng đã ra đầu thú.
Nguồn dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Động cơ đổ dầu vào con suối gần nguồn cấp nước sông Đà đến nay chưa được công an tiết lộ.