Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trả giá đắt vì nổi tiếng sớm

Theo Korea JoongAng Daily, việc ra mắt quá sớm là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý của thần tượng Kpop trẻ tuổi.

Tờ Donga Ilbo cho biết sự xuất hiện của các thành viên nhỏ tuổi đang dần trở nên phổ biến ở Kpop những năm gần đây. Trong quá khứ, việc idol ra mắt ở độ tuổi 14,15 còn rất ít ỏi. Bởi vậy, họ nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả.

Năm 2020-2022, hàng loạt idol trẻ tuổi ra mắt trong những nhóm nhạc nổi tiếng. Trong số đó, có thể kể đến những cái tên như Ni-ki của Enhypen, Leeseo của IVE, Bo Eun của CLASS:y hay mới đây nhất là Hyein của NewJeans.

Theo Korea JoongAng Daily, phần tích cực của việc ra mắt sớm là rất rõ ràng. Các thần tượng có thể làm giàu và đạt được danh tiếng khi còn rất trẻ. Quan trọng hơn, họ có nhiều thời gian để xây dựng sự nghiệp từ những công việc mà bản thân yêu thích. Nhưng làm thế nào để đảm bảo những thần tượng trẻ tuổi không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì khi bắt đầu sự nghiệp quá sớm?

Các chuyên gia cho rằng việc ra mắt khi còn trẻ cho phép những họ có sự nghiệp lâu dài và triển vọng hơn. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các idol nhỏ tuổi cũng phải trả cái giá rất đắt.

Thiếu kỹ năng trải nghiệm cuộc sống

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Kun chia sẻ: “Thần tượng độ tuổi thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển. Khi đó, họ có nhu cầu hòa nhập với xã hội thông qua việc giao lưu với bạn bè ở trường lớp cũng như tạo mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh”.

Theo chuyên gia Ha việc ra mắt khi còn quá trẻ có thể khiến các thần tượng bỏ lỡ những trải nghiệm cuộc sống bổ ích và cần thiết. Trong trường hợp xấu nhất, nếu không thành công với tư cách là người nổi tiếng, họ sẽ bị hạn chế cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. Bởi việc tham gia vào quá trình đào tạo tại cơ sở giải trí ngay từ nhỏ buộc các thần tượng bỏ dở một phần đáng kể việc học ở trường.

Không ít thần tượng ra mắt và hoạt động trong nhiều năm nhưng vẫn không thể tìm kiếm được chỗ đứng ở thị trường Kpop khắc nghiệt. Vì vậy, họ phải từ bỏ con đường nghệ thuật để theo đuổi những công việc khác. Tuy nhiên, khi bước ra cuộc sống bên ngoài, các thần tượng này lại gặp khó khăn vì thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế. Điều này khiến một số idol buộc trở lại trường học hoặc đăng ký tham gia các lớp học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm ở những lĩnh vực khác.

Lim Myung Ho - giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook cho biết: “Khi những thanh thiếu niên trở thành thần tượng hoặc nuôi hy vọng làm idol Kpop, về cơ bản họ sẽ phải tham gia vào khóa đào tạo nhóm biệt lập”.

Nổi tiếng khi mới tròn 14 tuổi, Won Young cũng không thể kìm được cảm xúc của bản thân và bật khóc khi nói về việc nhớ bố mẹ tại một buổi hòa nhạc của I*ZONE.

Sự cô lập và thiếu tương tác với bạn bè nhất định sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và cơ chế phản ứng của trẻ khi trưởng thành. Ngay cả khi trở nên nổi tiếng, họ vẫn có thể cảm thấy khó khăn trong việc xử lý cảm xúc cũng như giữ tâm lý bình tĩnh khi đối mặt với những sự cố căng thẳng.

Theo đó, những bình luận ác ý hay chỉ trích, đả kích từ phía dư luận dễ dàng gây cho họ những tổn thương không thể hàn gắn. Nghiêm trọng hơn, sự tổn thương quá lớn có thể khiến họ rơi vào bế tắc và tìm đến những hành vi tự hủy hoại bản thân - điều mà không ít người nổi tiếng đã làm.

Ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên

Một trong những lý do khiến độ tuổi ra mắt quá trẻ của các thần tượng trở thành một vấn đề đáng lo ngại ở Kpop hiện nay chính là sự thay đổi theo xu hướng của các nhóm nhạc nữ. Khi hình ảnh ngây thơ, trong sáng không còn được ưa chuộng, thay vào đó là phong cách cá tính, quyến rũ, các idol nữ buộc phải đi theo những định hướng có phần không phù hợp với lứa tuổi của họ.

Em út nhóm ITZY – Yuna ra mắt khi mới 15 tuổi. Với định hướng phong cách girl-crush cá tính của JYP cùng lợi thế vóc dáng sẵn có, nữ idol thường xuyên phải mặc những bộ trang phục hở hang, bó sát. Điều này khiến cô nhiều lần bị cư dân mạng chỉ trích vì hình ảnh quá gợi cảm, không đúng với tuổi vị thành niên.

Ông Lee Gyu Tag - giáo sư nghiên cứu về nhạc pop và truyền thông tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết: “Không chỉ riêng việc ăn mặc hở hang. Điều khiến tôi trăn trở hơn là khi các thần tượng thể hiện một bài hát mà ngay cả bản thân họ cũng chưa thể hiểu và cảm nhận được hết ý nghĩa ca từ. Cũng bởi không cảm được những điều tác giả muốn truyền tải, phần trình diễn của họ đều thiếu chiều sâu và kết thúc một cách nhạt nhẽo, không đọng lại cảm xúc gì cho khán giả”.

Không chỉ giới chuyên môn mà công chúng cũng đều tỏ ra lo lắng về sự thiếu vắng những khái niệm phù hợp với lứa tuổi trong âm nhạc của những thần tượng trẻ tuổi hiện nay.

Ông Lee Gyu Tag giải thích rằng xu hướng ra mắt thần tượng trẻ tuổi có thể bắt nguồn từ sự phổ biến của các cuộc thi thử giọng nhạc Trot. Đây vốn là thể loại nhạc pop đặc trưng của Hàn Quốc mang âm hưởng vui tươi và được công chúng yêu thích từ những năm 1950. Nhạc Trot đã hồi sinh trong vài năm qua nhờ các chương trình ăn khách như Miss Trot hay Mr. Trot.

Theo ông Lee: “Nhiều thí sinh nhí đã xuất hiện và trở nên nổi tiếng trên các chương trình tuyển chọn tài năng nhạc Trot. Vì thể loại nhạc này được hầu hết thế hệ lớn yêu thích, việc xem trẻ em biểu diễn trong các chương trình như vậy giống theo dõi một cuộc thi tài năng thực thụ. Ở đó, các thí sinh nhí đều được phép trình diễn những bài thi đúng với lứa tuổi và năng khiếu bẩm sinh.

Từ những chương trình nhạc Trot, ý tưởng về các thí sinh trẻ tuổi đã trở nên phổ biến ở Kpop. Vấn đề là, trong khi các chương trình trot kỳ vọng các thí sinh nhí sẽ biểu diễn đúng với khả năng vốn có, thì các buổi thử giọng thần tượng lại đòi hỏi họ phải thể hiện khả năng giống các nghệ sĩ Kpop chuyên nghiệp. Việc yêu cầu những thí sinh nhỏ tuổi học theo phong cách trình diễn trưởng thành là không phù hợp.

Chương trình sống còn của đài MBC - My Teenage Girls từng gây xôn xao dư luận khi giới thiệu những thí sinh tham gia ở độ tuổi từ 2003-2010. Tại đây, hai thí sinh 14 tuổi tham gia chương trình với ca khúc Nonstop của Oh My Girl đã phải nhận không ít lời chỉ trích gay gắt từ ban giám khảo.

Theo giáo sư Lim, trải nghiệm này có thể gây ra những vấn đề về mặt tâm lý đối với hai thí sinh này khi đoạn video được chia sẻ rất nhiều trên các trang MXH với mục đích chế giễu, bôi xấu hình ảnh của họ.

Ông Lim đánh giá đây là một hình thức sử dụng danh nghĩa chương trình dành cho thanh thiếu niên để thu hút người xem. Trong khi, những thí sinh nhí tham gia chương trình lại hoàn toàn không được bảo vệ về hình ảnh cũng như danh dự.

Ông nói: "Không đứa trẻ nào được phép trải qua trải nghiệm đau thương như vậy. Cần có một giới hạn cao hơn, có lẽ là hợp pháp, về độ tuổi của các thí sinh tham gia chương trình thử giọng”.

Một nguyên nhân đáng lo ngại khác là về sức khỏe của các idol nhỏ tuổi. Bởi lẽ, từ khi còn là thực tập sinh đến khi ra mắt, idol luôn phải làm việc liên tục mà ít có cơ hội được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, họ buộc phải thực hiện chế độ ăn kiêng để duy trì vóc dáng cân đối, đặc biệt với các thần tượng nữ.

Theo Korea JoongAng Daily, việc hạn chế ăn uống kèm theo lịch trình tập luyện dày đặc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của thanh thiếu niên. Và khi sức khỏe không được đảm bảo, các bệnh lý liên quan đến tinh thần cũng dễ xảy ra, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động nghệ thuật cũng như cuộc sống sinh hoạt của các thần tượng.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng trẻ ra mắt trong ngành sẽ không sớm biến mất. Bởi vậy, giáo sư Lim gợi ý các công ty quản lý cần xây dựng nguồn lực để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nghệ sĩ trẻ.

Trong khi đó, nhà phê bình Ha kêu gọi khán giả cũng cần phải quan tâm và lên tiếng ngay khi nhận thấy sự không phù hợp với những idol trẻ tuổi. Đó là cách để duy trì sự cân bằng về độ tuổi cũng như đảm bảo sự phát triển bên vững của nền văn hóa Kpop trong tương lai.

Linh Phương

Bạn có thể quan tâm