Các chính đảng đối lập và cựu quan chức chính phủ ở Canada đã lên tiếng kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau can thiệp và chặn thương vụ thâu tóm hãng khoáng sản TMAC Resources bởi Công ty Khai thác Vàng Sơn Đông (SDG) - một trong những đơn vị khai khoáng lớn nhất của Trung Quốc.
TMAC Resources sở hữu một mỏ vàng sâu trong Vòng cực Bắc khoảng 200 km, và việc một công ty nhà nước Trung Quốc có hoạt động khai thác tại một địa điểm gần với Bắc Cực như vậy đã khiến nhiều nhà phân tích lo ngại.
Mỏ vàng của TMAC nằm ở Vịnh Hope, Nunavut, sâu trong Vòng cực Bắc khoảng 200 km. Ảnh: TMAC Resources. |
Vùng đất nhạy cảm
Họ cho rằng Ottawa nên chặn thương vụ này để làm chậm sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các khoáng sản chiến lược, cũng như để ngăn Bắc Kinh sở hữu thêm các tài sản ở khu vực Bắc Cực. Giới chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng việc thu mua tài sản và đất đai ở khu vực nhạy cảm này và sau đó khẳng định chủ quyền giống như hành động phi pháp Bắc Kinh đã làm ở Biển Đông.
Nội các của ông Trudeau sẽ là bên có quyết định cuối cùng trong việc thông qua vụ mua bán trên, nhưng đã hoàn toàn im lặng về thương vụ này khi nó còn đang trong quá trình xem xét.
"Thương vụ này không nên được hoàn thành. Họ (Trung Quốc) rõ ràng là đối thủ và tôi nghĩ chúng ta phải tính đến điều đó mỗi khi họ tìm cách mua thứ gì đó", ông Richard Fadden, người từng là cố vấn an ninh quốc gia Canada dưới thời cả ông Trudeau và người tiền nhiệm là Stephen Harper.
Mặc dù các cổ đông của TMAC và giới chức Trung Quốc đã phê duyệt thương vụ này, nó vẫn cần phải đi qua một cánh cổng cuối cùng là sự đồng ý của chính quyền ông Trudeau. Theo luật pháp Canada, chính phủ phải xem xét bất cứ thương vụ thâu tóm nào được thực hiện bởi một công ty nhà nước của nước ngoài, và có thể chặn việc mua bán để bảo vệ an ninh quốc gia.
Công ty Khai thác Vàng Sơn Đông trực thuộc chính quyền tỉnh Sơn Đông. Họ cho biết chỉ quan tâm đến TMAC vì tiềm năng thương mại của công ty Canada.
"Chúng tôi là một công ty tập trung vào thương mại, và được biết đến rộng rãi với ngành khai khoáng Canada. Chính phủ Canada sẽ quyết định có chấp thuận vụ thâu tóm hay không, nhưng chúng tôi chỉ coi đây là một giao dịch khai thác vàng", ông Jack Yue, giám đốc phát triển và đầu tư toàn cầu của SDG, cho biết.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Đổi mới Canada, chịu trách nhiệm về luật đầu tư nước ngoài, cho biết đơn vị này sẽ xem xét thỏa thuận và cân nhắc lợi ích của nó đối với nền kinh tế Canada trước khi đưa ra bất cứ sự chấp thuận nào. Ông từ chối bình luận về những khía cạnh khác của quá trình đánh giá.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ kể từ sau vụ giám đốc tài chính Huawei, Mạnh Vãn Châu, bị bắt ở Vancouver theo đề xuất của Washington. Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc bỏ tù 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc gián điệp.
Đội nghiên cứu trên tàu phá băng Rồng Tuyết của Trung Quốc hoạt động thăm dò ở Bắc Cực hồi năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Động thái trả đũa này khiến cho hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người dân Canada xấu đi nhanh chóng. Theo một khảo sát được thực hiện bởi Nanos Research hôm 13/7, phần lớn người Canada được hỏi cho rằng chính phủ nước này nên chặn các công ty Trung Quốc mua tài sản ở Canada, cũng như từ chối cho quan chức đại lục nhập cảnh.
Mỏ vàng của TMAC nằm ở một địa điểm tương đối nhạy cảm, bên trong Vòng cực Bắc, nơi nhiều quốc gia đang cố gắng tìm cách tiếp cận khu vực giàu tài nguyên này. "Có một lượng lớn tài nguyên ở đó, và Trung Quốc là quốc gia cần tài nguyên, đang tìm cách tiếp cận chiến lược các khoáng sản quý", ông Eric Miller, chủ tịch một công ty tư vấn về khai khoáng, nhận định.
Con đường tơ lụa mới ở Bắc Cực
Hoạt động khai khoáng của TMAC được phép sử dụng tuyến đường thuỷ triều dẫn đến Hành lang Phương Bắc - tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc đều xác định đây sẽ là tuyến hàng hải quan trọng trong tương lai, khi băng tan giúp giao thông đường biển trở nên thuận lợi, rút ngắn quãng đường nối châu Âu và châu Á.
Nga, nước cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương vào năm 2007, có hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới cũng như sự hiện diện quân sự đáng kể ở khu vực. Trong khi đó, Mỹ phần lớn dựa vào hoạt động của các tàu ngầm để tuần tra vùng biển này, và Tổng thống Trump tháng trước cũng đã ra lệnh đóng mới một số tàu phá băng vì hiện tại Mỹ chỉ có đúng một chiếc đang hoạt động.
Mặc dù điểm cực Bắc của Trung Quốc cách xa Bắc Cực tới 1.450 km, nước này tuyên bố mình là "quốc gia cận Bắc Cực" và đã có tư cách quan sát ở Hội đồng Bắc Cực - nhóm gồm các nước Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Thụy Điển - những nước có lãnh thổ trong Vòng cực Bắc.
Năm 2018, Trung Quốc công bố sách trắng về chiến lược Bắc Cực của nước này, trong đó dự đoán về việc hình thành một "con đường tơ lụa ở vùng cực".
Bà Heather Conley, nhà phân tích chính sách đối ngoại của viện CSIS ở Washington, cho rằng Trung Quốc từ lâu đã đầu tư một cách có tính toán vào Bắc Cực, và muốn bảo vệ quyền truy cập vào khu vực như một tuyến vận tải, nguồn khoáng sản, năng lượng và thực phẩm thay thế.
Những thương vụ đơn lẻ như việc SDG mua lại TMAC có vẻ như không có vấn đề gì, nhưng nếu đặt nó vào một bức tranh toàn cảnh - nơi ngày càng nhiều công ty và tài sản ở khu vực bị Trung Quốc thâu tóm - thì cần phải đặt câu hỏi về việc này, theo bà Conley.
"Trong một môi trường mà sự không tin tưởng là rất lớn, thật khó để phân biệt điều gì là tính toán hay lòng tốt", bà Conley nhận định.
Cảng Kirkenes của Na Uy, một trong những địa điểm tiềm năng trong "con đường tơ lụa vùng cực" của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Các công ty Trung Quốc đã sở hữu một số tài sản ở miền bắc Canada. MMG - công ty có các mỏ kẽm và đồng ở Bắc Cực - có đa số cổ phần thuộc về một công ty nhà nước Trung Quốc. JJNI - công ty nickel của tỉnh Cát Lâm, cũng sở hữu một mỏ đồng và niken ở phía bắc tỉnh Quebec của Canada.
Mỹ đã lên tiếng nhiều hơn về việc Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận khu vực ngay sát bang Alaska của nước này. Trong chuyến thăm gần đây tới Đan Mạch, nước có quần đảo Greenland rộng lớn ở Bắc Cực, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hơn ở vùng đất này.
"Nếu họ muốn cạnh tranh ở đó, chúng ta không thể cứ mặc kệ họ", ông Pompeo nói.