Mỹ và các đồng minh NATO nên duy trì mối quan hệ chặt chẽ để bảo vệ lợi ích của họ ở Bắc Cực khi Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới, theo một chỉ huy Hải quân Mỹ, South China Morning Post cho biết.
Trong hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London tổ chức hôm 25/6, Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu - châu Phi, cho biết Trung Quốc đang tìm cách khai thác Bắc Cực. Các hoạt động của họ tại Bắc Cực cũng như ở châu Phi và châu Âu đặt ra mối lo ngại về an ninh cho Mỹ và đồng minh.
Các nhà thám hiểm Trung Quốc đặt thiết bị liên lạc ở Bắc Cực. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trung Quốc thậm chí còn tự coi mình là “quốc gia cận Bắc Cực”. “Họ tìm thấy cơ hội đầu tư từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, đến tiềm năng giao thông hàng hải thương mại trong “Con đường tơ lụa”, Đô đốc Foggo nói đề cập việc mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bắc Cực bằng cách phát triển tuyến vận tải biển được mở ra bởi sự ấm lên toàn cầu.
Cảnh giác với những tuyên bố
Bắc Kinh từng cho biết lợi ích của họ ở Bắc Cực chủ yếu liên quan đến thương mại và bảo vệ môi trường, nhưng Đô đốc Foggo cho biết khu vực này có thể trở thành tâm điểm của những tuyên bố không có cơ sở của Trung Quốc.
“Trung Quốc có tiền lệ đưa ra các yêu sách không có cơ sở trên các tuyến đường thủy ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng có thể tìm cách bẻ cong các quy tắc theo cách có lợi cho họ ở Bắc Cực”, Đô đốc Foggo nói.
Đô đốc Foggo cũng nhấn mạnh công nghệ viễn thông 5G và kiểm soát các hải cảng là nguyên nhân gây lo ngại lớn ở châu Âu. NATO không thể bỏ qua các hoạt động của Trung Quốc ở châu Âu, ông Foggo bày tỏ lo ngại.
Trung Quốc đã bắt tay vào dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD trong sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tạo ra liên kết các nền kinh tế vào một mạng lưới thương mại tập trung vào Trung Quốc.
Sáng kiến này liên quan đến 125 quốc gia, nhưng đang gây nhiều tranh cãi, bao gồm cả những lo ngại về nợ. Đô đốc Foggo cảnh báo sự đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc vào các quốc gia châu Phi và châu Âu có thể được sử dụng để tác động đến chính quyền địa phương, làm tổn hại lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.
“Loại ảnh hưởng này là mối quan tâm an ninh và có thể được sử dụng để hạn chế quyền truy cập vào cảng biển, sân bay chính, trong khi mang lại quyền tiếp cận thông tin quân sự nhạy cảm thông qua công nghệ do các công ty Trung Quốc cung cấp”, Đô đốc Foggo nói.
Ngoài ra, Đô đốc Foggo cho biết thêm Trung Quốc đã mua các hãng tin ở Đài Loan để đẩy mạnh tuyên truyền và xóa bỏ mọi chỉ trích chống lại chính phủ của họ.
Các lãnh đạo đất nước đã tích cực theo đuổi phong cách ngoại giao “Sói lang”, những người tìm cách hạn chế thông tin về virus corona và đẩy mạnh quyên góp thiết bị y tế để chứng tỏ họ là một nhà lãnh đạo thế giới giữa đại dịch.
Đối thoại để tránh rủi ro
Tuy vậy, Đô đốc Foggo nhấn mạnh trong khi những rủi ro này cần được đưa vào chiến lược hàng hải mới của NATO, nhưng đối thoại cũng là cần thiết để hạn chế những tính toán sai lầm.
Một tàu phá băng của Trung Quốc tại Bắc Cực. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Tôi nghĩ rằng luôn có chỗ để đối thoại”, Đô đốc Foggo nói, ông từng là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán với quân đội Trung Quốc về quy tắc cho các cuộc gặp gỡ ngoài dự kiến ở trên không và trên biển.
Bình luận của Đô đốc Foggo được đưa ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng ở Biển Đông.
Trung Quốc và Mỹ đều gia tăng sự hiện diện trong vùng biển tranh chấp, nơi lần đầu tiên kể từ năm 2017, 3 tàu sân bay của Hải quân Mỹ tuần tra Thái Bình Dương cùng lúc.
Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cho biết những bình luận của đô đốc Foggo có thể xem là một phần trong nỗ lực của Washington để kéo NATO vào việc đối phó Trung Quốc.
“Mỹ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của NATO sang tây Thái Bình Dương và Bắc Cực. Khi bị Mỹ thúc đẩy, NATO bắt đầu chú ý đến Trung Quốc. Tuy nhiên với liên minh quân sự có trụ sở tại châu Âu, NATO thay vào đó sẽ xem Nga là mối đe dọa lớn hơn”, ông Song nói.
Ông cho rằng nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và NATO ở Bắc Cực là rất thấp, vì Trung Quốc không có lợi ích cốt lõi ở đây.