Động thái này thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc cạnh tranh tài nguyên với Nga và Trung Quốc tại các vùng cực, theo The Guardian.
Cụ thể, ông Trump mới ban hành một bản ghi nhớ về “bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực Bắc Cực và Nam Cực”. Bản ghi nhớ nhắc nhở chính quyền phải đưa ra một kế hoạch chi tiết trong vòng 60 ngày, nhằm gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ tại các vùng cực.
Chế tạo thêm 3 tàu phá băng hạng nặng
Theo đó, ít nhất 3 tàu phá băng hạng nặng phải được hoàn thành vào năm 2029. Tài liệu này cũng đưa ra nhiều khuyến nghị về địa điểm xây dựng 2 căn cứ hỗ trợ ở Mỹ và 2 căn cứ hỗ trợ ở nước ngoài.
Bản ghi nhớ cho biết hạm đội tàu phá băng sẽ được sử dụng cho “các nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh và kinh tế quốc gia (bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên, thiết lập và bảo trì đường cáp dưới đáy biển)”.
Chính quyền Trump sẽ xây dựng thêm một hạm đội tàu phá băng để tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại Bắc Cực và Nam Cực. Ảnh: The Guardian. |
Heather Conley, một quan chức cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Kinh phí là một vấn đề cần làm rõ nếu Mỹ muốn thực hiện kế hoạch này”.
Hiện Mỹ chỉ có một tàu phá băng hạng nặng và một tàu phá băng hạng trung bình. Trong khi đó, Nga có tới 40 tàu phá băng, Phần Lan có 7 tàu, Canada và Thụy Điển đều có 6 tàu.
“Việc Mỹ tìm kiếm địa điểm cho các căn cứ ở trong nước và ở nước ngoài là một điều mới mẻ”, ông Conley nhận xét. “Song Mỹ sẽ gặp nhiều trở ngại để kêu gọi các đồng minh tham gia vào kế hoạch này”.
Sự cạnh tranh gay gắt của các cường quốc tại Bắc và Nam Cực đang gây ra nhiều tác động môi trường đáng báo động. Trong bối cảnh này, kế hoạch gia tăng sức mạnh quân sự của chính quyền Trump nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.
Nhiều chuyên gia về quân sự vùng cực bày tỏ sự hoài nghi về “khoảng trống tàu phá băng” của Mỹ với Nga.
“Tàu phá băng, kể cả khi được vũ trang, không giải quyết được nhiều vấn đề lớn trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc”, Paul Avey, trợ lý giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Virginia Tech lập luận.
“Song tôi không phủ nhận lợi thế cạnh tranh của hạm đội tàu phá băng. Tôi cho rằng với điều kiện quốc phòng còn eo hẹp, cách tốt nhất để cạnh tranh ảnh hưởng tại Bắc và Nam Cực là tập trung vào các vấn đề tại Đông Âu và Tây Thái Bình Dương”.
Gia tăng đầu tư vào Bắc Cực
Trang Nikkei Asian Review hồi cuối tháng 4 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu USD cho Greenland, cũng như kế hoạch thành lập lãnh sự quán Mỹ ở vùng lãnh thổ này trong thời gian tới.
Động thái này được cho là phản ứng của Mỹ trước việc Nga tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực, và Trung Quốc tích cực đầu tư vào khai thác cũng như các tuyến đường hàng hải trên vòng cực Bắc.
Washington "đang trong quá trình điều chỉnh chính sách Bắc Cực", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên.
"Đây là sự thay đổi bắt nguồn từ các động thái của Nga và Trung Quốc nhằm thách thức Mỹ và phương Tây", quan chức này nói thêm.
Theo truyền thống, Bắc Cực được quản lý bởi một cơ quan gồm 8 quốc gia được gọi là Hội đồng Bắc Cực, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Những nước này đều có chủ quyền với các vùng đất trong Vòng cực Bắc và có quyền quyết định với các chính sách quản lý khu vực này.
Căn cứ Không quân Thule trên đảo Greenland là cơ sở quân sự nằm gần Bắc Cực nhất của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Vào tháng 1/2018, Trung Quốc công bố sách trắng Bắc Cực đầu tiên của nước này, với nhan đề "Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc". Trong văn bản này, Trung Quốc tuyên bố các vấn đề của Bắc Cực giờ đây "vượt ra ngoài các quốc gia trong Vòng cực Bắc hoặc bản chất của khu vực", và cho rằng những gì xảy ra trong khu vực có "ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích của các quốc gia bên ngoài khu vực và lợi ích của toàn bộ cộng đồng quốc tế".
Bắc Kinh lập luận việc băng tan ở Bắc Cực sẽ mở ra các tuyến đường biển và cho phép tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên, do đó nâng tầm các giá trị chiến lược và kinh tế của vùng này.
Trung Quốc tuyên bố nước này về mặt địa lý là "quốc gia cận Bắc Cực" và do đó là "một bên liên quan quan trọng trong các vấn đề Bắc Cực".
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bãi bỏ tuyên bố này và cho rằng chỉ có "các quốc gia ở Bắc Cực" và "các quốc gia không thuộc Bắc Cực". Theo quan chức này, không có sự phân loại nào khác vì vậy Mỹ không chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh là một "quốc gia cận Bắc Cực".
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng "luồn lách vào Greenland" bằng những cách không mang tính giúp đỡ, trong đó có việc mua lại các cơ sở hạ tầng quan trọng và điều này có thể sẽ gây rắc rối cho Mỹ, các đồng minh NATO và cả Đan Mạch.
Greenland và Iceland là "tâm điểm của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Cực", ông Damien Degeorges, chuyên gia phân tích các vấn đề Bắc Cực và Greenlan, nhận định.
Theo ông Degeorges, cuộc cạnh tranh này cho đến nay tương đối "mềm" nếu so với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, nhưng có thể trở thành "vấn đề an ninh rất nghiêm trọng" đối với Mỹ.
Đảo Greenland là nơi đặt Căn cứ Không quân Thule - căn cứ nằm trên vĩ tuyến cao nhất của quân đội Mỹ.