“Người Trung Quốc và người Nga đang có mặt ở khắp mọi nơi, nhất là người Trung Quốc”, ông Kenneth Braithwaite, Đặc phái viên Mỹ tại Na Uy vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử vị trí bộ trưởng Hải quân, cho biết.
“Mọi người sẽ thấy bất ngờ khi nhận ra Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở khu vực High North, ngoài khơi Na Uy. Chúng ta cần cảnh giác với điều này và cần tìm hiểu rõ nguyên nhân”, ông Braithwaite cảnh báo hôm 7/5.
Trong phiên điều trần hôm đó, từ "Bắc Cực" được nhắc đến 35 lần, mỗi từ "Trung Quốc" và "Nga" được nhắc đến 22 lần, nhiều hơn rất nhiều so với "Triều Tiên".
Là đặc phái viên Mỹ tại Na Uy trong suốt 2 năm qua, ông Braithwaite nắm rõ hoạt động của Nga và Trung Quốc trong khu vực này. Ông cho rằng hiện tượng băng tan đã mở đường cho Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Bắc Cực.
Liên minh Nga-Trung
“Tuyến đường biển phía Bắc, kéo dài từ thành phố Kirkenes của Na Uy đến Nga, có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc đến thị trường châu Âu xuống còn một nửa”, ông Braithwaite nhận định.
Các thượng nghị sĩ cũng đồng tình với ý kiến của tân bộ trưởng Hải quân, cho rằng “việc mở đường đi qua Bắc Băng Dương là một sự kiện lịch sử, có tầm quan trọng tương đương với việc khám phá ra biển Địa Trung Hải”.
Ông Kenneth Braithwaite, Đặc phái viên Mỹ tại Na Uy vừa được bổ nhiệm vị trí bộ trưởng Hải quân. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Thượng nghị sĩ Angus King của bang Maine cho rằng tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược to lớn, đồng thời bày tỏ quan ngại về tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố nước này “nằm gần Bắc Cực”.
“Trung Quốc tự nhận là một nước nằm gần Bắc Cực giống như Maine tự nhận là một bang nằm gần vùng biển Caribbean”, ông King so sánh một cách mỉa mai.
Giới học giả cũng cảnh báo sự hiện diện thường xuyên của Nga và Trung Quốc có thể định hình tương lai khu vực Bắc Cực.
“Thất bại lớn nhất của Mỹ là chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã có tầm nhìn dài hạn cho khu vực này, họ đã mở rộng khả năng quân sự và kinh tế tại Bắc Cực”, Heather Conley, chuyên viên cấp cao tại một tổ chức tư vấn chính sách từng nhận xét.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, ông Conley cho biết kịch bản xấu nhất là Mỹ phải đối mặt với một liên minh giữa Bắc Kinh và Moscow. Liên minh này có thể “đe doạ quyền tiếp cận Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương của Mỹ”.
Mỹ cần làm gì?
Tại phiên điều trần, tân Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite cho rằng Mỹ phải tăng cường sự hiện diện tại vùng biển Bắc Cực. Ông khẳng định hải quân sẽ hỗ trợ nguồn lực sẵn có để Mỹ phô trương sức mạnh trong khu vực này.
Việc điều động 4 tàu hải quân tới vùng biển Barents của Nga là một ví dụ cụ thể. Sự kiện này mới được tổ chức để kỷ niệm 30 năm tàu chiến Mỹ tiến vào vùng biển Barents, đồng thời là bước mở đầu cho chiến lược Bắc Cực của Mỹ.
Tân Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite cho rằng Mỹ phải tăng cường sự hiện diện tại vùng biển Bắc Cực. Ảnh: Reuters. |
“Tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục làm điều này. Một hạm đội hải quân là điều chúng ta cần khi đang phải đề cao cảnh giác”, ông Braithwaite kết luận.
Cũng trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan của bang Alaska bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ chậm chân trong “cuộc đua” tới Bắc Cực.
Ông bình luận về “Chiến lược quốc gia cho khu vực Bắc Cực” của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama năm 2013: “Tài liệu này có 13 trang, bao gồm 6 trang hình ảnh. Nga chỉ được nhắc đến một lần trong mục chú thích. Đó là một trò đùa”.
Khi Mỹ cuối cùng đã “thức tỉnh” về vấn đề Bắc Cực, ông Sullivan quả quyết: “Đối thủ của chúng ta không chờ đợi. Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sẽ tranh giành quyền lực tại Bắc Cực. Điều này đang thực sự xảy ra”.
Bắc Cực nóng lên
Các hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực đang tạm lắng xuống song “cuộc chơi” tranh giành tầm ảnh hưởng vẫn nóng lên từng ngày. Đáng chú ý, mối quan hệ Nga-Trung trở nên phức tạp và khó lường khi hai nước liên tục cạnh tranh và phụ thuộc lẫn nhau tại Bắc Cực.
Dù không ủng hộ sự hiện diện của Trung Quốc tại Bắc Cực trong những ngày đầu, Nga dần cho thấy sự hợp tác để cả hai nước cùng thâu tóm lợi ích khổng lồ của vùng đất này.
“Nga và Trung Quốc từng là đối thủ cạnh tranh về tài nguyên và ảnh hưởng ở Bắc Cực. Gần đây, hai nước đã bắt đầu hợp tác để đánh bại các nước phương Tây”, New York Times dẫn lời chuyên gia năng lượng Agnia Griga của Mỹ.
Các hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực đang tạm lắng xuống song “cuộc chơi” tranh giành tầm ảnh hưởng vẫn nóng lên từng ngày. Ảnh: Getty Images. |
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) mới mua 20% cổ phần trong dự án khai thác khí tự nhiên của công ty Novatek, Nga.
Nga và Trung cũng mới đưa ra tuyên bố về việc thành lập trung tâm nghiên cứu. Dự án này có mục đích quan sát thay đổi về băng đá dọc tuyến đường biển phía Bắc.
Dù vậy, tờ Diplomat bình luận nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong khi khả năng xuất khẩu của Nga là có hạn. Do đó, Trung Quốc không thể phụ thuộc lâu dài và phải tìm cách sở hữu nhiều tài nguyên hơn bằng cách đẩy mạnh khai thác tại vùng Bắc Cực.