Trong hơn 40 năm kể từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, hai bên nhiều lần trải qua những đợt căng thẳng dâng lên rồi lại lắng xuống.
Tuy nhiên, việc Mỹ yêu cầu đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và Trung Quốc trả đũa bằng việc yêu cầu đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô đánh dấu một mức thấp mới trong quan hệ của hai nước có nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới.
Lực lượng an ninh trước tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô sáng 27/7. Ảnh: AP. |
Tương lai mờ mịt
Giới chức Trung Quốc đã tiếp quản tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên, ngay sau khi nơi này ngừng hoạt động hôm 27/7.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng lãnh sự quán ở Thành Đô "đã giữ vị trí trung tâm trong quan hệ của chúng tôi với người dân ở Tây Trung Quốc, bao gồm Tây Tạng, trong 35 năm qua".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một thông báo ngắn gọn cho hay các "ban ngành chủ quản" đã tiến vào lãnh sự quán thông qua cổng trước và tiếp quản cơ sở này khi các nhà ngoại giao Mỹ đóng cửa lúc 10h. Trước đó, Trung Quốc chỉ trích việc các đặc vụ Mỹ dùng vũ lực phá một cánh cửa phía sau lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston trong ngày tiếp quản.
Trở lại với Thành Đô, quốc kỳ Mỹ đã bị hạ xuống, biển tên cũng như các hình ảnh khác thể hiện chủ quyền của Mỹ ở bên ngoài tòa nhà tổng lãnh sự quán đã bị tháo gỡ hoặc che chắn.
AP nhận định cảnh tượng đó mang lại cảm giác tuyệt giao vĩnh viễn chưa từng xuất hiện trong các cuộc khủng hoảng trước đây, kể cả vụ ném đá Đại sứ quán Mỹ để đáp trả việc NATO ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Serbia vào năm 1999, hay vụ va chạm giữa máy bay do thám Mỹ và máy bay chiến đấu Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2001.
Công nhân tháo dỡ biển tên tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô tối 26/7. Ảnh: AP. |
Những giờ phút cuối cùng
Sau vụ đóng cửa lãnh sự quán để trả đũa qua lại, Trung Quốc còn lãnh sự quán ở San Francisco, Los Angeles, Chicago và New York ngoài đại sứ quán ở Washington. Mỹ có 4 lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục và một đại sứ quán ở Bắc Kinh, giữ cho các bên ngang nhau về số phái bộ ngoại giao.
Lãnh sự quán Thành Đô trước đây từng nổi tiếng khi giám đốc sở công an thành phố Trùng Khánh chạy đến đây vào năm 2012, từ đó dẫn đến cú ngã ngựa của ông Bạc Hy Lai, bí thư thành phố, trong bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc nhiều thập kỷ.
Nơi đây cũng từng tiếp đón cựu phó tổng thống Joe Biden trong chuyến ghé thăm cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vào buổi sáng cuối cùng trước khi người Mỹ di chuyển hết khỏi lãnh sự quán ở Thành Đô, cảnh sát đã phong tỏa khu vực kéo dài 2 đến 3 khối nhà xung quanh nơi này, cắt đứt đường tiếp cận đối với gần như mọi địa điểm có thể nhìn thấy tòa nhà, bao gồm quốc kỳ.
Một vài phương tiện được cho phép lưu thông sau khi cảnh sát kiểm tra, và những phương tiện khác di chuyển cách xa. Cảnh sát theo dõi chặt chẽ, ngay cả sau khi tháo dỡ phong tỏa tại khu vực vào buổi chiều, quyết tâm ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu bất ổn.
Họ đã đưa đi một người đàn ông mặc áo phông có nội dung chống Mỹ sau khi anh ta vẫy một bản tuyên bố ngắn viết bằng mực đỏ trên giấy trắng. Sau đó, cảnh sát di chuyển một bó hoa mà một người phụ nữ để lại ở lề đường, đối diện với lối vào lãnh sự quán đã bị đóng.
Công nhân che chắn bảng biểu trên bức tường phía ngoài lãnh sự quán ngay sau khi tòa nhà không còn người. Chúng bao gồm một biển tên bằng đồng gần lối vào mà một công nhân đã cố gắng cạy ra vào đêm hôm trước, nhưng không thành công.
Người dân kéo đến bên ngoài tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô sáng 27/7. Ảnh: AP. |
Hoạt động chuyển đồ vẫn diễn ra sau nửa đêm 26/7, với xe rơ moóc vào tòa nhà và sau đó xuất hiện với những thùng đồ lớn.
Vào cuối tuần qua, Thành Đô, cũng như Houston, trở thành tâm điểm của sân khấu chính trị quốc tế.
Người ta dừng lại để chụp ảnh selfie hoặc chụp ảnh cho nhau; một số vẫy cờ Trung Quốc trong khi những người khác cố ghi lại khoảnh khắc đó. Một người đàn ông đã cố gắng mở một "lá thư ngỏ" gửi chính phủ Trung Quốc và nhanh chóng bị đưa đi.
Mỹ cáo buộc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là ổ gián điệp cố đánh cắp dữ liệu từ các công ty, tổ chức ở Texas, bao gồm hệ thống y tế A&M Texas và Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas ở Houston. Trung Quốc nói các cáo buộc này là "vu khống ác ý".
Cáo buộc đánh cắp công nghệ, các vấn đề an ninh quốc gia, nhân quyền, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông hiện là những động lực chính trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ lâu, hai bên đã tìm cách phân loại những vấn đề đó để ngăn chúng ảnh hưởng đến quan hệ thương mại cũng như hợp tác trong việc xử lý chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay xung đột ở Trung Đông và châu Phi.
AP nhận định rằng khi nhìn về phía trước, triển vọng hòa giải có vẻ mờ mịt, ngay cả khi Mỹ bầu ra chính quyền mới vào tháng 11.