Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ triển khai trái phép khinh khí cầu do thám trên Đá Vành Khăn

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc đã triển khai khinh khí cầu cho mục đích cảnh báo sớm trên Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một bài đăng trên tài khoản Twitter của Công ty vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel, cho thấy hình ảnh vật thể giống khinh khí cầu trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp ở Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những hình ảnh vệ tinh được ISI chụp vào ngày 18/11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã triển khai khinh khí cầu cho mục đích do thám trong khu vực, South China Morning Post cho biết.

Trước đó, tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defense, cho biết Trung Quốc bắt đầu chế tạo hệ thống cảnh báo sớm bằng khinh khí cầu vào năm 2017. Các khinh khí cầu được lắp radar mảng pha để phát hiện các mục tiêu bay thấp.

Khinh khí cầu có thể hoạt động trên không trong thời gian dài, cung cấp một giải pháp cảnh báo sớm hiệu quả, chi phí thấp để giám sát một khu vực rộng lớn. Đặc biệt là ở những khu vực mà việc triển khai máy bay cảnh báo sớm khó khăn hơn.

Trung Quoc quan su hoa Bien Dong anh 1

Hình ảnh về vật thể giống khinh khí cầu do thám trên Đá Vành Khăn. Ảnh: ISI.

Khi kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, chúng có thể tạo nên mạng lưới giám sát toàn diện. Theo tạp chí Kanwa, khinh khí cầu cảnh báo sớm đang được triển khai ở một số điểm nóng, như biên giới Triều Tiên, eo biển Đài Loan.

Cũng theo Kanwa, khinh khí cầu giám sát có thể theo dõi mục tiêu trên không và trên đất liền trong bán kính 300 km. Quân đội Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông bằng cách quân sự hóa các thực thể nhân tạo mà họ bồi lấp trái phép trong khu vực tranh chấp.

Bắc Kinh đã triển khai radar, tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu trên các đảo nhân tạo. Đá Vành Khăn nằm ở rìa đông nam trong 7 thực thể nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.

Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài hơn 3 km, có thể tiếp nhận máy bay cỡ lớn như Airbus A320. Đảo nhân tạo này cũng có hải đăng và các cơ sở quân sự và dân sự khác.

Năm 2016, Tòa án trọng tài thường trực quốc tế đã ra phán quyết rằng các thực thể mà Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo là các rạn san hô chìm dưới nước biển khi thủy triều lên, nên không đủ điều kiện để thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý.

Kể từ đó, việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông đã trở thành một trọng tâm trong những thách thức của Mỹ đối với yêu sách phi lý của Trung Quốc trong vùng biển. 6 trong số 21 chuyến thực hiện nhiệm vự tự do hàng hải của hải quân Mỹ đi qua các thực thể mà Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông.

Lần gần nhất diễn ra chỉ 10 ngày trước, khi tàu chiến ven biển USS Gabrielle Giffords (LCS-10) di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn.

Lực lượng Trung Quốc bám đuôi tàu chiến Mỹ trên Biển Đông

Chính quyền Trung Quốc ngày 22/11 đề nghị Mỹ "dừng các hành động khiêu khích" trên Biển Đông, không lâu sau khi các tàu chiến Mỹ áp sát Đá Vành Khăn và quần đảo Hoàng Sa.

Mỹ triển khai tàu chiến LCS ở Biển Đông để 'uốn nắn' Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định việc triển khai 2 tàu chiến duyên hải đến Biển Đông nhằm tăng cường sức mạnh tấn công và cảnh báo Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm