Hải quân Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách triển khai 2 tàu chiến ven biển (LCS) chuyên thực hiện các hoạt động tác chiến gần bờ. Việc triển khai 2 tàu chiến LCS cho thấy Mỹ đang chuyển từ trinh sát và răn đe sang tăng khả năng tấn công, South China Morning Post dẫn nguồn tin một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh cho biết.
USS Gabrielle Giffords (LCS-10) đã rời cảng Changi của Singapore trong một nhiệm vụ vào ngày 15/11. Trong khi đó, USS Montgomery (LCS-8) đã tiến hành một hoạt động chung với hai tàu chiến Australia từ ngày 6-12/11.
Hai tàu LCS đều hoạt động ở Biển Đông, một trong những vùng biển có tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. Đây là khu vực Trung Quốc đưa ra các các yêu sách phi lý về tranh chấp chủ quyền với một số nước trong khu vực.
Bắc Kinh cũng tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực bằng cách bồi lấp phi pháp một số thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và biến chúng thành các tiền đồn quân sự. Hải quân Mỹ đã nhiều lần điều động tàu chiến thực hiện tự do hàng hải gần các thực thể phi pháp của Trung Quốc, để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực không bị gián đoạn.
Tín hiệu gửi đến Bắc Kinh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang có chuyến công du một loạt các nước châu Á, hôm 19/11 cho biết Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông để gửi tín hiệu đến Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Esper trong chuyến thăm Philippines. Ảnh: Reuters. |
“Washington phản đối bất kỳ nỗ lực của quốc gia nào để ép buộc hoặc đe dọa để thúc đẩy lợi ích của riêng họ mà bỏ qua lợi ích của quốc gia khác và quốc tế”, Bộ trưởng Esper nói trong chuyến thăm Philippines, một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Bộ trưởng Esper kêu gọi các bên có tranh chấp ở Biển Đông khẳng định chủ quyền của họ để đưa Trung Quốc vào con đường đúng đắn. “Tín hiệu rõ ràng mà chúng tôi cố gắng gửi đi không phải là chúng tôi phản đối Trung Quốc, mà tất cả chúng tôi đều ủng hộ các quy tắc và luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ Trung Quốc nên tuân thủ”, Bộ trưởng Esper nói.
Trước đó, Hải quân Mỹ thường sử dụng các tàu khu trục và tuần dương hạm cho nhiệm vụ tự do hàng hải, nhưng chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đang thay đổi.
Theo một báo cáo của Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông, một trung tâm phân tích có liên kết với Viện nghiên cứu Hải dương, Đại học Bắc Kinh, tàu chiến LCS có mớn nước thấp cho phép tiếp cận tốt hơn với các vùng nước nông.
Tàu chiến LCS-10 bắn tên lửa NSM trong một cuộc tập trận ngoài khơi đảo Guam. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Điều này giúp cải thiện các nhiệm vụ trinh sát trên các rạn san hô ở Biển Đông. LCS có tốc độ tối đa tới 44 hải lý/giờ cũng là một lợi thế trong các nhiệm vụ điều hướng và đảm bảo tự do hàng hải, báo cáo cho biết.
LCS với thiết kế module, các tàu có thể nhanh chóng chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, hoặc rà phá thủy lôi và tác chiến chống ngầm. Đặc biệt, LCS-10 được trang bị tên lửa chống hạm tàng hình NSM có thể bổ sung cho hoạt động tác chiến của Hạm đội 7.
Đầu tháng 10, LCS-10 đã bắn thử tên lửa NSM ngoài khơi đảo Guam, đây là thử nghiệm đầu tiên của tên lửa NSM ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc bổ sung tên lửa NSM giúp nâng cao đáng kể năng lực tác chiến cho tàu chiến LCS.
Thay đổi tinh tế trong chiến lược của Hải quân Mỹ
Việc triển khai tàu chiến LCS đến Biển Đông thể hiện sự thay đổi tinh tế trong chiến lược của Hải quân Mỹ trong khu vực, cho thấy các chỉ huy bắt đầu tập trung vào những cách thiết thực để cải thiện khả năng tấn công trong khu vực bằng cách chủ động tìm giải pháp răn đe và chuẩn bị cho xung đột.
Tuy nhiên, Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cho biết 2 tàu Gabrielle Giffords và Montgomery không gây ra mối đe dọa đáng kể nào cho các đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông, vì chúng không có khả năng tàng hình và rất mong manh.
Ông Song cho rằng để đối phó với vấn đề này, Trung Quốc có thể tăng cường tên lửa chống hạm và máy bay trên đất liền hoặc triển khai trên tàu sân bay trong tương lai.
Ông Song nhận định chương trình tàu chiến LCS dường như không được hải quân Mỹ ưa chuộng, nhưng nhà sản xuất có thể muốn bán chúng cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Do đó, việc triển khai tàu chiến LCS ở Biển Đông có thể đơn giản chỉ là màn quảng cáo.