Trung Quốc đã triển khai mạng lưới cảm biến và khả năng liên lạc giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Những khả năng này là một phần trong mạng lưới thông tin đại dương xanh được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) của CSIS cho biết.
Một trạm E nổi đang được đưa xuống biển vào tháng 4/2018. Ảnh: CSIS/AMTI/MAXAR. |
Mạng lưới này được lắp đặt ở phía bắc Biển Đông trong giai đoạn 2016-2019 và được gọi là hệ thống thử nghiệm kỹ thuật. Tuy nhiên, kế hoạch tương lai cho mạng lưới thông tin đại dương xanh liên quan đến việc mở rộng mạng lưới cảm biến và thông tin liên lạc đến phần còn lại của Biển Đông, biển Hoa Đông và các khu vực đại dương cách xa lãnh thổ Trung Quốc.
Các thành phần dễ thấy nhất của mạng lưới này là hai loại trạm thông tin tích hợp nổi (IIFP) và trạm chuyển tiếp thông tin tích hợp dựa trên rạn san hô (IRBIS), còn gọi là các trạm E.
Trước đó AMTI xác định một trong những hệ thống IRBIS đã được triển khai trên Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 2018.
Tăng cường triển khai trạm nổi và cố định
Tính đến tháng 6, CETC đã triển khai 5 trạm nổi xung quanh đảo Hải Nam cùng với trạm cố định tại Đá Bông Bay. Một trạm cố định khác đang được chế tạo tại khu vực sản xuất của CETC trên đảo Hải Nam.
Tại trụ sở của CETC ở Bắc Kinh có một trạm cố định, có thể là nguyên mẫu sử dụng trong quá trình nghiên cứu và phát triển. AMTI đã xác định ngày triển khai cho mỗi trạm E bằng hình ảnh vệ tinh từ Planet và Maxar.
Bằng cách theo dõi khi mỗi trạm rời khỏi cơ sở sản xuất của CETC và sau đó đến các địa điểm. AMTI có thể xác định vị trí của mỗi trạm. Vào tháng 3/2013, CETC đã triển khai trạm E nổi đầu tiên mang số hiệu FT3001, cách bờ biển phía đông đảo Hải Nam 10 hải lý.
Đầu năm 2017, 4 trạm khác với số hiệu từ FT3002 đến FT3005 được chế tạo tại cơ sở sản xuất của CETC. Mỗi trạm được đưa xuống mặt nước bằng cần cẩu nổi, trước khi kéo đi để lắp đặt. Vệ tinh của Maxar đã chụp được quá trình trạm FT3004 đang được đưa xuống mặt nước vào ngày 4/4/2018.
Cuối năm 2017, CETC đã chế tạo 2 trạm E cố định lắp trên các rạn san hô. Một trong số đó đã được lắp trên Đá Bông Bay vào tháng 4/2018, trạm thứ 2 vẫn đang ở cơ sở sản xuất kể từ ngày 2/6.
CETC cũng đã chứng minh rằng các trạm nổi có thể được di dời trong ít nhất một tuần. Vào tháng 3/2019, CETC đã di chuyển trạm FT3002 từ phía nam đảo Hải Nam đến cuối eo biển Quỳnh Châu, vị trí ngăn cách đảo với đại lục.
CETC cũng đăng một bức ảnh lên truyền thông xã hội để ca ngợi những nỗ lực của các nhân viên trong việc di dời nó. 3 tháng sau, CETC đã chuyển trạm FT3003 đến đầu eo biển, cách trạm FT3002 khoảng 30 hải lý về phía đông. Hai trạm này có thể giám sát toàn bộ giao thông hàng hải qua eo biển Quỳnh Châu.
Năng lực các trạm này như thế nào?
Đầu năm 2016, vào khoảng thời gian triển khai trạm nguyên mẫu của mình, CETC đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến hệ thống giám sát thông tin nổi ở Trung Quốc và Mỹ. Đơn xin cấp bằng sáng chế của CETC mô tả một cách chi tiết về trạm nổi và các hệ thống con của nó.
Trạm nổi có chiều cao 34 m, gồm tầng nổi trên mặt nước và phần chìm dưới nước. Năng lượng cho trạm được cung cấp bởi các tấm pin năng lượng Mặt Trời. Một máy phát điện chạy bằng khí gas có thể cung cấp năng lượng dự phòng khi cần thiết. Năng lượng gió và sóng cũng được tùy chọn dưới dạng năng lượng sạch, theo mô tả của CETC.
Một trạm cố định được đặt bên cạnh Viện nghiên cứu thông tin đại dương CETC. Ảnh: CSIS/AMTI/MAXAR. |
Hai trạm nổi và cố định đều có chung mục đích lắp đặt một số cảm biến khác nhau và hoạt động như một trạm chuyển tiếp thông tin mà chúng thu thập được. Tuy nhiên, đơn xin cấp bằng sáng chế cho trạm chỉ cung cấp các tài liệu tham khảo về các thiết bị quan sát chung có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về môi trường, như dòng hải lưu, áp suất không khí, nhiệt độ và độ mặn.
Tài liệu không đề cập đến các hệ thống giám sát dưới nước như sonar, thiết bị thu âm dưới nước có thể được hỗ trợ bởi trạm nổi, nhưng có một lưu ý thiết bị quan sát và phụ trợ khác phù hợp với giám sát vùng nước có thể được lắp đặt thêm.
Tài liệu chỉ ra rằng phần lớn chức năng liên lạc của trạm dựa vào cảm biến lắp ở phần trên của trạm, gồm ăng ten liên lạc vệ tinh băng tần KU, băng tần L, ăng ten liên lạc vô tuyến và ăng ten truyền thông di động.
Hệ thống cảm biến gồm ăng ten phát sóng giám sát phụ thuộc tự động (ADS-B), hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và radar tìm kiếm mục tiêu trên không và trên biển cỡ nhỏ.
Theo tài liệu của CETC, radar lắp trên trạm bị giới hạn bởi đường chân trời cũng như công suất của nó. Radar của trạm được giới thiệu là có thể phát hiện máy bay không người lái có mặt cắt radar khoảng 1,8 m2 ở cự ly 30 hải lý.
Theo AMTI, trạm nổi của Trung Quốc sở hữu khả năng mà các trạm của nước khác không có, đó là sự hiện diện của ăng ten nhiệt đới, còn gọi là phân tán tầng đối lưu. Ăng ten nhiệt đới cho phép liên lạc qua đường chân trời bằng cách phân tán tín hiệu vi sóng ra khỏi nước và bụi trong khí quyển. Hệ thống này có thể liên lạc trong phạm vi hơn 200 hải lý.
Theo mô tả của CETC các trạm E nổi và cố định là một phần của Mạng lưới thông tin đại dương xanh, có thể bao gồm các thành phần như phao đại dương, cảm biến cố định dưới nước, sonar, cảm biến thu âm dưới nước, máy bay không người lái, phương tiện không người lái dưới nước.
Ngoài các trạm E nổi và cố định, AMTI không thể xác minh các thành phần khác của mạng lưới đã được triển khai hay chưa.
Một trung tâm xử lý dữ liệu cho mạng lưới đã được xây dựng tại Viện Nghiên cứu đại dương CETC, nằm trong khu công nghiệp Clearwater Bay ở Lăng Thủy, đảo Hải Nam. Bên cạnh trung tâm có một trạm E cố định.
Nguy cơ lớn với tranh chấp Biển Đông
Các trạm nổi và cố định cũng như các thành phần khác trong mạng lưới thông tin đại dương xanh của Trung Quốc gây ra mối lo ngại lớn ở Biển Đông và hơn thế nữa. Trong khi CETC chủ yếu sử dụng mạng lưới như một hệ thống giám sát và liên lạc môi trường, các nền tảng trong mạng lưới rõ ràng có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Dữ liệu thủy văn về môi trường biển là rất hữu ích đối với lực lượng hải quân để vận hành hệ thống sonar trong các môi trường khác nhau. Trong một bài viết trên báo Quân giải phóng nhân dân của Trung Quốc vào tháng 4/2019 đã đề cập đến việc các trạm E sẽ được sử dụng để bảo vệ các đảo và rạn san hô ở Biển Đông.
Vị trí đặt các trạm E nổi và cố định đến tháng 6/2020. Đồ họa: CSIS/AMTI. |
AMTI cũng tìm thấy rất nhiều thảo luận về mạng lưới thông tin đại dương xanh trong việc hợp tác quân dân sự để bảo vệ lợi ích hàng hải chiến lược của Trung Quốc.
Các trạm nổi có thể di dời mang lại lợi thế lớn về thông tin cho Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng. Điều này có thể bao gồm giám sát liên tục vùng biển hoặc hòn đảo đang tranh chấp.
Các trạm cũng được sử dụng để thu hẹp khoảng cách về radar, sonar hoặc phủ sóng liên lạc trong một cuộc đối đầu quân sự. Việc Trung Quốc triển khai các trạm E và thành phần khác của mạng lưới thông tin đại dương xanh xa hơn sẽ đặt ra câu hỏi về an ninh, chính trị và tính pháp lý.
CETC cũng không giấu giếm tham vọng của họ trong việc mở rộng mạng lưới vượt ra khỏi một hệ thống thử nghiệm công nghệ.
Hiện tại vẫn chưa rõ tham vọng của Trung Quốc đối với mạng lưới thông tin đại dương xanh đến đâu, nhưng trạm cố định mới nhất của CETC vẫn nằm ở cơ sở sản xuất.
Nhưng rõ ràng, mạng lưới này là tham vọng lớn nhất của Trung Quốc trong việc sử dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy mục tiêu trở thành cường quốc hải quân của Bắc Kinh.