“Tôi nghĩ việc lên kế hoạch thực sự chưa được tiến hành. Tôi biết quân đội xem xét việc bố trí binh lính ở đâu để có lợi nhất... Tôi chưa nghe về khung thời gian cụ thể”, bà Hutchison nói trong họp báo trực tuyến tối 16/6 (giờ Việt Nam), ngay trước cuộc họp bộ trưởng Quốc phòng Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 17-18/6.
Trước đó, ngày 15/6, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ giảm số binh sĩ Mỹ tại Đức vì cho rằng Berlin không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với NATO.
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison. Ảnh: AP. |
“Đó là tổn thất rất to lớn đối với Mỹ. Nên chúng tôi sẽ giảm quy mô binh sĩ tại nước này còn 25.000 người”, ông Trump nói. Hiện Mỹ có 34.500 binh sĩ đồn trú ở Đức, cùng khoảng 17.500 chuyên viên dân sự.
Nhưng trả lời các phóng viên, đại sứ Mỹ tại NATO nhấn mạnh Đức là đối tác quan trọng và là nơi đóng quân Mỹ từ lâu, nhưng Mỹ đang đánh giá lại cấu trúc phân bố quân lính ở châu Âu.
NATO “lo ngại” về Trung Quốc
“Tổng thống đã giao cho quân đội đánh giá phân bố lực lượng ở châu Âu, để xem ở đâu thì phục vụ tốt nhất cho việc răn đe và bảo vệ châu Âu”.
Bà cho biết phía Đức cũng thừa nhận họ phải làm nhiều hơn về cam kết chi tiêu quốc phòng, và đã có kế hoạch như vậy.
Theo quy định của NATO, các nước thành viên phải cam kết đóng góp tối thiểu 2% ngân sách quốc phòng của họ. Đức chưa đạt mục tiêu này.
Máy bay của Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. Đức là nơi có đông quân Mỹ đồn trú nhất ở châu Âu. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Trước câu hỏi về các hành vi ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở châu Á, đại sứ Mỹ tại NATO cho biết “tất cả những điều đó, những gì diễn ra ở Hong Kong, những gì diễn ra với mạng 5G ở Mỹ và châu Âu, trong đó công ty Trung Quốc không thể đảm bảo thông tin liên lạc được bảo mật, và cả Sáng kiến Vành đai - Con đường, đều đang khiến các đồng minh của chúng tôi lo ngại về ý định của Trung Quốc”.
“Những gì họ đang làm không tỏ ra hòa bình”, bà nói. “NATO đang nhìn về phía đông... và bắt đầu đánh giá những gì Trung Quốc đang làm. Chúng tôi theo dõi kỹ trên ‘radar’ của mình, đánh giá rủi ro, hy vọng điều tốt nhất, nhưng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.
“Chúng tôi muốn Trung Quốc là đối tác với thế giới có trật tự và hành xử một cách đạo đức”, vị đại sứ nói thêm. “Chúng tôi quan sát với ánh mắt lo ngại về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, việc quân sự hóa các đảo, chính sách về Hong Kong”.
Theo Nikkei Asian Review, các nghị sĩ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ gần đây đã kêu gọi Mỹ tăng chi tiêu quân sự ở châu Á. Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ gần đây gửi đề xuất ngân sách 20 tỷ USD cho 6 năm tới lên quốc hội để củng cố sức mạnh của Mỹ trong khu vực.
Rút bớt quân khỏi Đức, tăng quân ở Ba Lan?
Dù có nhiều dấu hỏi xoay quanh tuyên bố Mỹ rút bớt quân khỏi Đức, bà Hutchison nhiều lần tái khẳng định cam kết bảo vệ châu Âu.
“Nếu nhìn bức tranh lớn hơn về châu Âu, (hiện diện của Mỹ) đang tăng lên, chứ không giảm đi, với thêm hàng nghìn lính ở Ba Lan... (Mỹ) sẽ tiếp tục có binh lính đóng ở châu Âu, tôi nghĩ sẽ không có việc giảm lính Mỹ ở châu Âu”.
Ông Trump và phu nhân gặp gỡ binh sĩ Mỹ đóng ở căn cứ không quân Ramstein, Đức, năm 2018. Ảnh: AP. |
Chưa rõ việc “tăng thêm” bính lính mà đại sứ Mỹ tại NATO nhắc tới là từ đâu, khi số lính mà Mỹ điều tới Ba Lan sẽ chỉ là 1.000 lính, theo dự định mà Washington và Warsaw đã bàn năm 2019. Mỹ hiện có 4.500 lính tại Ba Lan, với mục tiêu răn đe Nga ở ranh giới phía đông của NATO.