Tổng cộng 23 tàu nổi và tàu ngầm từ các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được cử đến tham gia cuộc tập trận hải quân Kakadu của Australia, theo Reuters.
Lực lượng không quân của nước chủ nhà cũng điều động 21 chiến đấu cơ hỗ trợ hoạt động diễn tập.
Chương trình tập trận chung 2 năm/lần tại cảng Darwin nhằm thắt chặt quan hệ giữa các lực lượng hải quân trong khu vực, ngăn chặn xung đột trên biển và thúc đẩy phối hợp quốc tế trong cứu trợ thiên tai.
Các sĩ quan hải quân Australia và Trung Quốc trên tàu HMAS Newcastle, thuộc Hạm đội Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: Reuters. |
Anita Sellick, chỉ huy tàu chiến HMAS Newcastle, cho biết 2 sĩ quan thuộc Hải quân Hoàng gia Australia đã được cho lên tàu Huangshan của Trung Quốc quan sát trong thời gian diễn tập.
"Họ hòa nhập rất tốt và đang học hỏi thêm về sinh hoạt trên tàu trong thời gian tham dự cuộc tập trận", chỉ huy tàu HMAS Newcastle cho biết.
Trả lời truyền hình ngày 7/9, Tư lệnh Hạm đội Hải quân Hoàng gia Australia Chuẩn đô đốc Jonathan Mead nhấn mạnh việc phối hợp diễn tập, huấn luyện mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Các hoạt động hợp tác giúp tăng thêm sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa những lực lượng hải quân trong khu vực.
Cuộc tập trận tại cảng Darwin sẽ kết thúc vào ngày 19/5. Thành phố cảng này cũng là cứ điểm chiến lược quan trọng nhất của Australia và là nơi đóng quân của thủy quân lục chiến Mỹ từ năm 2011.
Tàu HMAS Stuart của Australia di chuyển cạnh tàu MV Asterix của Hải quân Hoàng gia Canada ngày 7/9. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia đánh giá việc hải quân Trung Quốc được mời tham dự cuộc tập trận 2 năm/ lần tại vùng biển phía tây bắc Australia là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ quốc phòng với Washington cùng các đồng minh Thái Bình Dương.
Tháng 4 vừa qua, 3 tàu chiến của Australia đã tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại vùng biển khu vực.
Tháng 5, Mỹ cũng hủy lời mời Trung Quốc tham dự tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii vì những hoạt động quân sự hóa ngang ngược của nước này trên Biển Đông.