Lực lượng lính thủy đánh bộ mới được thành lập của Nhật Bản sẽ tham gia cuộc diễn tập Kamandag cùng quân đội Mỹ và Philippines trên Biển Đông. Theo Nikkei Asian Review, cuộc diễn tập này chủ yếu tập trung vào các hoạt động cứu hộ và phản ứng khi xảy ra thiên tai, thảm họa.
Sau đó, Mỹ - Nhật sẽ tổ chức cuộc tập trận chung mang tên "Keen Sword" (Gươm sắc) vào tháng 10, ngoài khơi đảo Okinawa. Một số hoạt động diễn tập sẽ mô phỏng kịch bản một số đảo bị "quân xâm lược" kiểm soát và cần được tái chiếm.
Nhật Bản huy động cả 3 quân chủng thuộc Lực lượng Phòng vệ (JSDF) tham gia tập trận. Phía Mỹ cũng cử đầy đủ các lực lượng hải - lục - không quân và lính thủy đánh bộ đến diễn tập cùng đồng minh quân sự.
Năm 2016, cuộc tập trận có sự tham gia của gần 25.000 quân nhân Nhật Bản và 10.000 lính Mỹ.
Thủy quân lục chiến Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn vào tháng 10 với quân đội Mỹ, tập trung vào kịch bản chống xâm lược. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Lữ đoàn thủy quân lục chiến Nhật Bản mới được thành lập vào tháng 3 với quân số 2.100 người, trực thuộc lực lượng Phòng vệ mặt đất (JGSDF) của nước này.
Sự bổ sung này nhằm cải thiện năng lực phòng thủ tại các đảo nhỏ xa bờ. Binh chủng lính thủy đánh bộ của Nhật Bản được thiết kế chuyên thực hiện các chiến dịch tái chiếm đảo khỏi lực lượng nước ngoài.
Kể từ khi được thành lập, lực lượng này đã tham gia hai cuộc tập trận chung, lần lượt với Lực lượng Phòng vệ Trên Biển (JMSDF) vào tháng 5 và với đồng minh Mỹ tại Hawaii vào mùa hè.
Bộ quốc phòng nước này dự tính sẽ triển khai trực thăng Osprey đến tỉnh Saga để hỗ trợ vận chuyển lính thủy đánh bộ hiệu quả hơn.
Thống đốc tỉnh, ông Yoshinori Yamaguchi, đã chấp nhận đề nghị triển khai. Quá trình đàm phán tái định cư với một số gia đình ngư dân tại địa phương vẫn chưa hoàn thành.
"Nếu không triển khai được trực thăng Osprey (đến đóng tại tỉnh Saga), chúng ta sẽ mất khả năng đối phó nhanh chóng với các biến cố an ninh", một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản chia sẻ mối lo ngại với Nikkei Asian Review.
Tàu ngầm hạt nhân Type-093 của Trung Quốc hồi tháng 1 đã áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cách bãi biển đảo lớn nhất quần đảo khoảng 24 hải lý. Ảnh: Reuters |
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn đang là điểm nóng an ninh tiềm ẩn nhiều rủi ro trên vùng biển Hoa Đông. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo, tuy nhiên Tokyo mới đang là bên kiểm soát trên thực địa.
Trung Quốc thường xuyên cho các tàu tuần duyên tiến vào vùng biển quanh quần đảo. Đầu năm 2018, Trung Quốc còn điều động tàu ngầm hạt nhân áp sát Senkaku.
Vào tháng 7, trong khuôn khổ cuộc cải tổ các lực lượng vũ trang được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, lực lượng tuần duyên nước này đã được chuyển cho Quân ủy Trung ương quản lý. Sự điều chỉnh có thể xóa mờ lằn ranh giữa các hoạt động tuần duyên và quân sự trên vùng biển Hoa Đông.
Nhật Bản kỳ vọng rằng lực lượng thủy quân lục chiến mới thành lập có thể trở thành một công cụ răn đe trước hiện diện quân sự ngày một lớn của Trung Quốc.