Theo AFP, ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị tổng ngân sách là 5.298 tỷ yen (47 tỷ USD) trong năm tài khóa tiếp theo từ tháng 4 nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và năng lực không quân. Đây là mức tăng thường niên lần thứ 7 liên tiếp và cao hơn 2,1% so với năm 2017.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sử dụng 243,3 tỷ yen (hơn 2 tỷ USD) để triển khai 2 hệ thống tên lửa Aegis Ashore do Mỹ chế tạo nhằm phòng vệ trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.
Cơ quan này cũng dự định mua thêm 6 tiêm kích F-35 và 2 máy bay cảnh báo sớm trên biển E-2D Hawkeye, đồng thời lên kế hoạch điều động thêm 30 binh sĩ để mở rộng đội tuần duyên không quân hiện tại gồm 830 người.
Xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép thuộc Lục quân Nhật Bản tham gia diễn tập thường niên tại trại huấn luyện Higashifuji ngày 23/8. Ảnh: Reuters. |
Đề xuất ngân sách này được đưa ra sau báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng - Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản - cho thấy Triều Tiên vẫn đang là “mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy ra”.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6 tại Singapore, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có tiến triển rõ ràng. Trong những tuần gần đây, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng rơi vào bế tắc và có dấu hiệu xấu đi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật cũng nhắm vào Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang gây "nhiều quan ngại an ninh đối với khu vực và cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”.
Tokyo cảnh giác với Bắc Kinh trong bối cảnh Bắc Kinh gần đây có nhiều động thái gây hấn liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu năm đối với một số đảo trên biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Hồi tháng 3, Trung Quốc cũng đã thông báo nâng ngân sách quốc phòng lên 1.110 tỷ nhân dân tệ (174,5 tỷ USD), đánh dấu mức tăng cao nhất là 8,1% trong 3 năm qua.