Theo Nikkei Asian Review, thông tin bất ngờ về việc quan chức cấp cao Nhật - Triều gặp mặt bí mật vào tháng 7 tại Việt Nam cho thấy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu có cách tiếp cận mới để thúc đẩy tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng. Đó là dựa vào tình báo.
Tokyo thử nghiệm mới
Ngày 28/8, Washington Post đưa tin Shigeru Kitamura, người đứng đầu Cơ quan Tình báo và Nghiên cứu thuộc Nội các Nhật Bản đã bí mật gặp Kim Song Hye, quan chức cấp cao phụ trách vấn đề thống nhất liên Triều phía Triều Tiên.
Kitamura là cấp dưới được Thủ tướng Abe tin tưởng. Trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ quan Tình báo vào năm 2011 dưới thời của Thủ tướng Yoshihiko Noda, ông thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia. Năm 2012, ông Abe lên lãnh đạo đất nước và yêu cầu Kitamura tiếp tục giữ chức vụ tới nay.
Trong khi đó, Kim Song Hye, đại diện phía Triều Tiên, hoạt động tại cơ quan tình báo của đảng Lao động cầm quyền. Người lãnh đạo cơ quan này là Kim Yong Chol, phó chủ tịch đảng Lao động và cũng là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông Kim Yong Chol đón ngoại trưởng Mỹ tại sân bay Bình Nhưỡng ngày 9/5. Ảnh: AP. |
Ông Kim Yong Chol là người phụ trách đàm phán với ông Mike Pompeo, lúc đó là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, để chuẩn bị cho cuộc gặp Mỹ - Triều hồi tháng 6.
Trước đó, khi ông Kim Jong Un tỏ ý muốn gặp mặt lãnh đạo Hàn Quốc hồi đầu năm, "trùm tình báo" Kim Yong Chol cũng là người đại diện trao đổi với Suh Hoon, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc. Những cuộc đàm phán giữa hai quan chức cấp cao là tiền đề cho hội nghị giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi tháng 4.
Việc quan chức Nhật Bản gặp mặt cấp dưới của “trùm tình báo” cho thấy Tokyo, tương tự như Washington và Seoul, đang bắt đầu trông cậy vào các cơ quan tình báo để thúc đẩy tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng.
“Tại những quốc gia mà chính phủ nắm quyền kiểm soát chặt chẽ, như Triều Tiên hay các nước Trung Đông, các quan chức tình báo thường là người nắm trong tay thông tin chính xác nhất”, Masafumi Kaneko, chuyên gia nghiên cứu tình báo tại Viện Nghiên cứu PHP, Nhật Bản, nhận định.
Thay đổi để đẩy nhanh đàm phán
Ngày 29/8, phản ứng với thông tin về cuộc gặp mặt bí mật giữa quan chức Nhật - Triều, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Chúng tôi không bình luận về từng bài báo một. Chính phủ Nhật Bản sẽ làm mọi thứ có thể để giải quyết toàn diện các vấn đề như vụ công dân bị bắt cóc và những quan ngại về hạt nhân, tên lửa".
Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono cũng cho biết dù không thể đưa ra bình luận về độ chính xác của bài báo, ông khẳng định Nhật Bản và Triều Tiên đang phối hợp để giải quyết vấn đề trao trả công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980.
Thủ tướng Abe tham dự cuộc họp tại Tokyo ngày 29/8. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Giải quyết vấn đề người dân bị bắt cóc là chính sách trọng tâm của Thủ tướng Abe. Nhà lãnh đạo cũng từng bày tỏ sẵn sàng đàm phán trực tiếp về vướng mắc nổi cộm này với ông Kim Jong Un sau cuộc gặp Mỹ - Triều.
Trên thực tế, hai ngày sau hội nghị giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có cuộc gặp không chính thức với một nhà ngoại giao Triều Tiên bên lề hội nghị quốc tế ở Mông Cổ và một lần nữa nhấn mạnh lập trường của Nhật Bản trong vấn đề công dân bị bắt cóc. Tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kono cũng đã gặp người đồng cấp Ri Yong Ho tại Singapore.
Việc đàm phán thông qua các kênh tình báo không phải đường lối tiếp cận truyền thống của Nhật Bản đối với Triều Tiên. Tokyo không thiết lập quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng mà chỉ trao đổi qua các đại sứ quán tại Bắc Kinh. Quan chức tình báo Nhật Bản cũng không thường lộ diện trong các cuộc thương lượng.
Tuy nhiên, có khả năng Tokyo đã quyết định rằng đàm phán sẽ suôn sẻ hơn nếu đại diện Triều Tiên trao đổi với người có cùng vai trò.