"Tôi muốn lưu ý rằng chúng ta chưa đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm nay", Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại phiên khai mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (kỳ họp quốc hội Trung Quốc, hay gọi tắt là "Nhân Đại").
Ông Lý nhấn mạnh việc không đặt tiêu chí tăng trưởng kinh tế sẽ cho phép chính phủ tập trung "đảm bảo ổn định trên cả 6 mặt trận và an ninh trong 6 khu vực".
Báo cáo năm nay được Thủ tướng Lý trình bày trước quốc hội Trung Quốc chỉ dài 23 trang, gần bằng một nửa báo cáo năm 2019 là 43 trang. Ông cũng chỉ tốn khoảng một nửa thời gian so với bài phát biểu năm 2019 để trình bày toàn văn báo cáo, theo Straits Times.
Lo ngại nhiều thách thức, tăng thâm hụt ngân sách
"Chúng tôi không đặt tiêu chí GDP cụ thể, chủ yếu vì đại dịch toàn cầu và những điều bất định về kinh tế và thương mại. Trung Quốc đang đối diện nhiều yếu tố khó dự báo trên con đường phát triển", ông Lý nhấn mạnh.
Theo Straits Times, 6 mặt trận mà ông Lý đề cập là: việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư quốc nội và các kỳ vọng kinh tế xã hội. Còn 6 khu vực bao gồm an ninh việc làm, ổn định nhu cầu sinh sống, vận hành thị trường, an ninh lương thực - năng lượng, chuỗi cung ứng - công nghiệp, và vận hành chính quyền cơ sở.
Phiên khai mạc của kỳ họp thường niên quốc hội Trung Quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kính sáng 22/5. Ảnh: Reuters. |
Ông Lý đồng thời cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng tốc đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Ông đề cập riêng đến tỉnh Hồ Bắc, nơi đầu tiên khởi phát dịch Covid-19 vào tháng 12/2019, và hứa hẹn sẽ có gói chính sách để tỉnh này hồi phục.
Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố chính phủ nước này sẽ cải thiện hệ thống y tế công cộng và "kiên quyết ngăn chặn tái bùng phát Covid-19". Các biện pháp bao gồm xây dựng thêm cơ sở y tế để kiểm soát dịch và điều trị, cải thiện cơ chế báo cáo trực tiếp và cảnh báo sớm bệnh truyền nhiễm.
Tăng ngân sách quốc phòng, thâm hụt vượt lằn ranh đỏ
Trung Quốc đồng thời nới lỏng biện pháp tài khóa. Ông Lý tuyên bố tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP sẽ cao hơn 3,6%, vượt khỏi lằn ranh đỏ bấy lâu là mốc 3%. Mức thâm hụt có thể tăng hơn 140 tỷ USD.
Cũng trong báo cáo chính phủ Trung Quốc trước quốc hội, ông Lý Khắc Cường cho biết ngân sách quốc phòng sẽ tăng 6,6%, tương đương 1,27 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 178 tỷ USD). Mức tăng ngân sách quốc phòng giảm nhẹ so với con số 7,5% của năm 2019.
Ông Lý tuyên bố Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh các lực lượng vũ trang, cam kết cải cách sâu hơn cho quân đội và quốc phòng, tăng năng lực hậu cần và hỗ trợ thiết bị, thúc đẩy phát triển sáng tạo quốc phòng liên quan đến khoa học và công nghệ.
Nhấn mạnh vấn đề Hong Kong, Macau và Đài Loan
Phát biểu trước quốc hội Trung Quốc, ông Lý tuyên bố Bắc Kinh sẽ thiết lập "những cơ chế thực thi" để đảm bảo an ninh quốc gia tại Hong Kong và Macau.
"Chúng ta sẽ thiết lập hệ thống pháp luật thật tốt và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia tại hai đặc khu hành chính, nhằm đảm bảo chính quyền tại hai khu vực này hoàn thành trách nhiệm hiến pháp của họ", ông nói.
"Chúng ta thực thi toàn diện và toàn tâm với chính sách 'Nhất quốc lưỡng chế' (Một quốc gia, hai hệ thống), trong đó người dân Hong Kong quản lý Hong Kong và người dân Macau quản lý Macau, với mức độ tự trị cao cho cả hai khu vực", ông tuyên bố.
Thông điệp được ông Lý đưa ra giữa lúc quốc hội Trung Quốc xúc tiến xây dựng một đạo luật an ninh cho Hong Kong nhằm ngăn chặn các hoạt động bị xem là ly khai hay chống phá, can thiệp và khủng bố từ nước ngoài.
Hôm 22/5, các nhà hoạt động ở Hong Kong đã lên mạng kêu gọi biểu tình phản đối kế hoạch này. Nhiều người lo sợ việc này sẽ làm tổn hại các quyền tự do cũng như vị thế quốc tế của thành phố được xem là một trong những trung tâm tài chính quan trọng trên toàn cầu.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc khai mạc ngày 22/5. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh chính quyền trung ương kiên quyết phản đối mọi "hoạt động ly khai" nhằm mục tiêu "Đài Loan độc lập", theo CGTN. Báo cáo bổ sung rằng chính phủ đại lục sẽ tìm cách cải thiện các chính sách, thiết chế và biện pháp khuyến khích trao đổi giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Tuy kêu gọi những cá nhân ở Đài Loan hợp tác phản đối lập trường "Đài Loan độc lập" và ủng hộ thống nhất, bài phát biểu của ông Lý không đề cập khả năng sử dụng vũ lực để thực hiện mục tiêu này như một số ngôn ngữ trước đây được phía Bắc Kinh sử dụng.
Trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai hôm 20/5, bà Thái nói Trung Quốc phải tìm cách chung sống hòa bình bên cạnh một Đài Loan dân chủ và Đài Bắc sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh.
Cam kết thực thi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Đề cập đến các quan hệ thương mại và đầu tư nước ngoài, ông Lý nhấn mạnh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một sẽ được thực thi, đồng thời khẳng định Trung Quốc tôn trọng cam kết với hệ thống thương mại đa phương và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho biết sẽ đẩy nhanh Thỏa thuận Thương mại Tự do Trung - Nhật - Hàn.
Bắc Kinh lên kế hoạch "giảm đáng kể" danh sách hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại với Washington còn tiếp diễn đặc biệt trong vấn đề tiếp cận thị trường.
Dù không đề cập các lĩnh vực cụ thể, ông Lý nói chính phủ Trung Quốc sẽ xây dựng một danh sách đen các lĩnh vực thương mại xuyên biên giới, tập trung vào dịch vụ, mà người nước ngoài không được tham gia. Tuy nhiên, ông nói Bắc Kinh sẽ đảm bảo thị trường cho phép "mọi công ty, Trung Quốc và nước ngoài, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh công bằng".
Liên quan đến Sáng kiến Vành đại và Con đường (BRI), ông Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tập trung vào chất lượng để "đôi bên cùng có lợi". Thông điệp được đưa ra giữa lúc BRI đang vấp phải các chỉ trích liên quan đến chiến lược cho vay phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đặc biệt là tác động đến các nước nghèo giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ Pakistan, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi đã đề nghị hoãn hoặc tái cấu trúc các khoản vay hàng tỷ USD cho những dự án lớn ở nước họ. Tình hình khiến một số nước phương Tây thêm lo ngại về tham vọng địa chính trị sau sáng kiến đầu tư phát triển của Trung Quốc, theo South China Morning Post.