Theo South China Morning Post, số tiền 22 tỷ NDT (3,3 tỷ USD) sẽ được đổ vào việc phát triển 2 lò phản ứng "muối nóng chảy" (molten salt) ở sa mạc Gobi, nằm ở phía bắc Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nếu họ có thể giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, năng lượng từ 2 lò phản ứng này sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có vận hành tàu chiến hạt nhân và máy bay không người lái.
Trung Quốc hy vọng xây dựng tàu chiến chạy bằng năng lượng từ thorium với công nghệ "cũ mà mới" này. Ảnh: Reuters. |
Về lý thuyết, công nghệ này có thể tạo ra nhiều nhiệt lượng hơn các lò phản ứng hạt nhân hiện có sử dụng uranium, trong khi chỉ sản xuất ra một phần nghìn chất thải phóng xạ.
Công nghệ này cũng thuận tiện cho Trung Quốc bởi nó sử dụng thorium làm nhiên liệu chủ yếu của nó. Trung Quốc có lượng dự trữ rất lớn nguyên tố này.
Dự án đã được chính phủ trung ương tài trợ và 2 lò phản ứng sẽ được xây dựng tại Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, theo một tuyên bố trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nhà khoa học dẫn dắt dự án là Giang Miên Hằng, con trai cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Các lò phản ứng dự kiến được đưa vào hoạt động vào năm 2020.
Trung Quốc không đi một mình trong nỗ lực khôi phục công nghệ cũ vì lợi ích tiềm tàng. Nhiều công ty ở Mỹ đang làm việc trong lĩnh vực này, trong khi Nhật Bản, Nga và Pháp cũng thể hiện sự quan tâm.
Mẫu máy bay thử nghiệm Convair NB-36H trong chương trình máy bay hạt nhân của Mỹ những năm 1950. Ảnh: aerotime.aero. |
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định để làm chủ công nghệ này, Bắc Kinh còn phải giải quyết nhiều vấn đề. Không quân Mỹ từng chế tạo một lò phản ứng muối nóng chảy 2,5 triệu MW vào những năm 1950, một phần trong chương trình phát triển các động cơ máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Dự án này đã bị xếp xó vào thập niên 1970. Các vấn đề nảy sinh khi Mỹ cố gắng giảm kích thước và trọng lượng của lò phản ứng. Sự an toàn của công nghệ khi sử dụng cho máy bay cũng là dấu hỏi. Sự xói mòn ống dẫn và buồng lò phản ứng gây ra bởi muối nóng được sử dụng trong quá trình phân hạch cũng khiến dự án thất bại.