Thông báo của Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) ngày 30/9 yêu cầu mọi địa phương phải dừng hoạt động tất cả nhà máy điện có công suất dưới 50.000 kilowatt.
Những nhà máy lớn hơn với công suất lên đến 100.000 kilowatt nhưng nằm trong vùng có lưới điện quy mô lớn hoặc đã hết hạn hoạt động cũng buộc phải đóng cửa, theo Reuters.
Hà Nam, một trong những vùng ô nhiễm nhất Trung Quốc, đứng trước áp lực cắt giảm 1,6 gigawatt điện than trong năm nay. Tỉnh Quảng Đông phía đông nam Trung Quốc cũng nhận yêu cầu cắt giảm 2,3 gigawatt.
Khói từ các tổ máy phát điện chạy bằng than đá của một nhà máy thép tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng năm 2017
Giai đoạn khói bụi ô nhiễm nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc được ghi nhận vào mùa đông năm 2012-2013. Đó cũng trùng vào thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh kích thích tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo Financial Times.
Mức NO2 tăng đột biến từ những nhà máy điện than ở Tây An và dọc theo vùng phía tây của đồng bằng miền Bắc Trung Quốc như tỉnh Hà Bắc. Khí thải điện than từ các tỉnh này góp phần lớn vào tình trạng khói bụi ô nhiễm trên khắp miền Trung và miền Đông Trung Quốc.
Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo an ninh cung cấp điện ở Việt Nam đến 2025. Thời gian qua, nhu cầu than cho sản xuất điện ở Việt Nam liên tục tăng, từ 26,25 triệu tấn năm 2015 lên 44,37 triệu tấn năm 2018 (tăng 69%). Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 54,3 triệu tấn.
Trung Quốc kể từ khi phát động cuộc chiến chống ô nhiễm năm 2013 đã cam kết giảm phụ thuộc vào than đá cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp. Chính phủ nước này buộc phần lớn các nhà máy nhiệt điện lắp đặt công nghệ khí thải thấp để giảm khói bụi ô nhiễm.
Nước này cắt giảm được tỷ trọng điện than trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia từ 68% vào năm 2012 xuống 59% vào năm 2018. Dù than đá vẫn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể ngành điện, nước này đang đặt mục tiêu đến năm 2040 giảm tỷ trọng điện than xuống dưới 40%.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, khí sinh học và thủy điện. Họ là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện mặt trời, được dự báo sẽ tăng trưởng gấp đôi Mỹ vào năm 2024.
Trung Quốc đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng tại thủ đô Bắc Kinh vào năm 2017 sau 19 năm hoạt động. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Nỗ lực từ Olympic 2008
Những hệ quả từ việc giảm đốt than trong nỗ lực cải thiện môi trường đã được ghi nhận từ nhiều năm qua.
Từ giai đoạn Olympic Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng không khí tại thủ đô. Sau những chính sách mạnh tay, chất lượng không khí cải thiện gần 30% chỉ trong vòng 1 năm, giảm số ca bệnh liên quan đến tim mạch và đường hô hấp của người dân địa phương, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Năm 2013, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực làm sạch bầu không khí ở các thành phố. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và mưa có nhiều chất hóa học gây hại được xác định là khói bụi từ giao thông đô thị, khí thải từ các nhà máy sử dụng than đá và hoạt động đốt đồng làm rẫy của người dân những vùng ngoại ô.
Chính quyền địa phương được lệnh siết chặt quản lý. Hệ quả là nhà máy phải giảm tập trung và di dời đến những khu vực xa thành phố, còn nhà máy quá ô nhiễm buộc phải đóng cửa. Nông dân được vận động ngừng mô hình đốt đồng truyền thống và nhận trợ cấp chính phủ để tái chế rơm rạ.
Với cam kết chấm dứt tình trạng khói bụi ô nhiễm, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc năm 2018 đặt mục tiêu giảm sản lượng than khoảng 150 triệu tấn. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi đó tuyên bố đẩy mạnh cắt giảm khí thải NO2 và NO vốn phần lớn do đốt than đá để "bảo vệ màu xanh của bầu trời" quốc gia.
Vẫn còn nhiều thách thức
Nhà máy điện than cuối cùng ở Bắc Kinh đã được đóng cửa vào tháng 3/2017 trong nỗ lực cải thiện bầu không khí ở thủ đô Trung Quốc. Bắc Kinh cũng trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc "chia tay" với than đá và phụ thuộc hoàn toàn vào những nguồn năng lượng sạch hơn như khí đốt và điện gió để sản xuất điện, theo Tân Hoa xã.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa thể cắt được "cơn say" than đá của nền kinh tế nước này. Hiện tượng thể hiện rõ mối quan hệ giữa than đá và tăng trưởng kinh tế được ghi nhận trong giai đoạn từ mùa hè năm 2013 đến mùa hè năm 2016, khi ô nhiễm không khí tại vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc giảm mạnh.
Một phần của tình trạng này do các quy định chống ô nhiễm được điều chỉnh nội dung và siết chặt thực thi. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn đó tuột dốc khiến nhu cầu đốt than cũng giảm mạnh. Khói bụi bắt đầu quay trở lại ở mức báo động trong mùa đông 2016-2017 khi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, theo phân tích của Financial Times vào tháng 6/2018.
"Đợt tăng mới nhất trong tiêu thụ than đá và khí thải CO2 đã cho thấy vòng tuần hoàn kinh tế 'bình thường mới' tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2012 rồi chạm đáy, và nay lại bắt đầu vòng hồi phục", Ziu Ji, Chủ tịch Quỹ Năng lượng Trung Quốc, cho biết.
Khói bụi mù mịt từ nhà máy điện than tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Financial Times. |
Tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, diễn ra vào tuần qua tại New York, đại diện của Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh cam kết cắt giảm khí thải và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, thực tế là tổng lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.
Các nhóm bảo vệ môi trường ước tính mạng lưới điện nước này vừa được bổ sung thêm gần 200 gigawatt điện than. Trong tháng 9, tổ chức Hòa bình Xanh ghi nhận ít nhất 3 nhà máy điện than được đưa vào hoạt động hoặc đang xây tại Nội Mông.
Hội đồng Điện lực Trung Quốc dự báo tổng sản lượng điện than sẽ sớm đạt mốc 1.300 gigawatt, tăng mạnh so với con số 1.000 gigawatt hiện tại.
Nỗ lực cải thiện môi trường và chất lượng không khí bằng cách cắt giảm đốt than dù đã chứng tỏ được hiệu quả, nhưng vẫn không buộc được giới chức địa phương đánh đổi lợi ích tăng trưởng kinh tế, theo Li Shuo, cố vấn cấp cao về chính sách toàn cầu của Hòa bình Xanh.