Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giảm đốt than trong sinh hoạt ở TQ để trị khói bụi ô nhiễm

Hệ thống sưởi ấm mùa đông của Trung Quốc tiêu tốn gần 400 triệu tấn than đá/năm, góp phần lớn gây nên tình trạng tỉ lệ bụi mịn tăng cao trong không khí tại nước này.

Tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đầu tháng 8 công bố kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi trang thiết bị sưởi ấm cho hộ gia đình từ đốt than sang sử dụng năng lượng điện hoặc khí đốt. Nỗ lực này nhằm cải thiện chất lượng không khí của địa phương cũng như khu vực phía bắc Trung Quốc.

Hà Nam, Bắc Kinh và Thiên Tân là 3 tỉnh đầu tiên được Trung Quốc thử nghiệm chương trình chuyển đổi hệ thống sưởi dân sinh, với 28 thành phố được chọn thí điểm vào tháng 3/2017, theo Quartz.

Theo kế hoạch mới, máy sưởi chạy bằng than ở gần 2 triệu hộ gia đình tỉnh Hà Nam sẽ được thay thế bằng những hệ thống chạy bằng điện hoặc khí đốt trước cuối năm 2019. Con số này cao hơn nhiều so với 1,124 triệu hộ gia đình sử dụng máy sưởi không chạy bằng than đá được ghi nhận vào năm 2018, theo Reuters.

Trung Quoc han che nguoi dan dot than anh 1
Giới chức Trung Quốc tìm cách khắc phục tình trạng khói bụi ô nhiễm bằng cách thay đổi thói quan đốt than sưởi ấm của người dân. Ảnh: Reuters.

Đốt than sưởi ấm nhưng hít khí độc

Hệ quả từ việc đốt than đá là gia tăng chỉ số ô nhiễm bụi mịn trong không khí (PM2.5). Trong nghiên cứu được công bố năm 2016 bởi Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh và Viện Các tác động Sức khỏe tại Boston, các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc nhận thấy đốt than và khí sinh học gây ra bệnh lý dẫn đến tử vong trong 177.000 trường hợp vào năm 2013, theo New York Times.

Nghiên cứu ước tính trong năm 2013, số ca bệnh dẫn đến chết trẻ ở Trung Quốc do phơi nhiễm PM2.5 có thể lên đến 916.000 người trên tổng dân số 1,4 tỷ dân. Đốt than có tác hại lớn nhất đến sức khỏe so với những nguồn ô nhiễm không khí khác tại Trung Quốc, dẫn đến 366.000 ca chết trẻ trong năm 2013. Than đá cũng chiếm 40% nguồn gốc bụi mịn trong bầu không khí ở nước này.

Ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân dẫn đến chết trẻ cao thứ 5 tại Trung Quốc, sau bệnh cao huyết áp, hút thuốc lá, ăn thừa muối và ít hoa quả. Ô nhiễm không khí trong nhà, phần lớn từ việc đốt nhiên liệu sưởi ấm, là nguyên nhân chết trẻ cao thứ 6.

Theo tổ chức Hòa bình Xanh, đốt than đá là phương thức sưởi ấm phổ biến đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp, chiếm gần 83% vào năm 2016. Than đá lại càng quan trọng đối với các tỉnh miền Bắc Trung Quốc khi mùa đông đến. Chương trình Chính sách Sông Hoài kể từ thập niên 1950 đã phát miễn phí than đá hoặc bán trợ giá cho người dân sinh sống các tỉnh khu vực phía bắc con sông lớn thứ 3 Trung Quốc.

"Kế hoạch này ban đầu đặt kỳ vọng mang lại lợi ích cho cuộc sống của người dân, nhưng hệ quả ngoài dự tính là phía bắc Trung Quốc chịu mức độ ô nhiễm cao hơn", Goujun He, làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), trả lời trên trang tin của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Hệ quả là ô nhiễm bụi mịn ở các vùng phía bắc sông Hoài cao hơn phía nam gần 46%. Nghiên cứu của Goujun He cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân sống phía bắc con sông cũng thấp hơn phía nam gần 3,1 năm.

Trung Quoc han che nguoi dan dot than anh 2Trung Quoc han che nguoi dan dot than anh 3
Sự khác biệt về ô nhiễm vào mùa đông ở Trung Quốc trong quang cảnh nhìn từ một công viên tại Bắc Kinh giữa tháng 9 và tháng 10/2018. Ảnh: AFP.

Đẩy mạnh thay đổi

Nền kinh tế và đời sống xã hội của Trung Quốc vẫn gắn liền với than đá. Điều này khiến việc "chia tay" với nhiên liệu hóa thạch trở nên khó khăn.

Các cơ quan quản lý tìm cách giảm tình trạng ô nhiễm gia tăng mỗi mùa đông bằng cách chuyển hoạt động sản xuất liên quan đến kim loại nặng hoặc vận chuyển than đá khỏi những tháng này. Tuy nhiên, biện pháp cứng rắn đã gây ra nhiều tác động lớn đối với kinh tế và xã hội.

Người dân Trung Quốc đứng trước bài toán nan giải giữa sưởi ấm và không khí sạch. Việc chuyển từ than đá sang khí đốt, loại bỏ những tháp đun công nghiệp và tịch thu máy sưởi chạy bằng than đá khiến hàng triệu người nghèo và vùng nông thôn ở Trung Quốc rơi vào cảnh chịu rét vào những tuần đầu mùa đông năm 2017.

Hàng nghìn hộ dân ở khu vực ngoại ô thủ đô Bắc Kinh không được cung cấp khí đốt để sưởi ấm, trong khi nhiệt độ có lúc xuống đến -6 độ C. Giới chức Trung Quốc sau đó buộc phải nới lỏng kiểm soát trước bức xúc của dư luận, theo Guardian.

Nỗ lực dang dở vào cuối năm 2017 không làm giới chức Trung Quốc hạ quyết tâm thay đổi thói quen dùng than đá để sưởi ấm vào mùa đông của người dân.

Kế hoạch mới, được công bố vào vào tháng 11/2017, đặt mục tiêu trong vòng 4 năm cắt giảm 1/3 than đá trong hoạt động sưởi ấm của các hộ gia đình ở nông thôn. Theo báo cáo của Tổ chức Hòa bình Xanh, Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi gần 40 triệu hộ gia đình liên kết với hệ thống sưởi ấm công cộng từ phụ thuộc vào than đá sang các mô hình khác.

Nếu kế hoạch này thành công, gần 63 triệu hộ gia đình tại Trung Quốc vào năm 2021 sẽ không còn sử dụng than đá để sưởi ấm, cắt giảm gần 140 triệu tấn than tiêu thụ. Số lượng than đá này tương đương tổng lượng than tiêu thụ hàng năm của Đức.

Trung Quoc han che nguoi dan dot than anh 4
Trung Quốc cho đóng cửa hàng loạt nhà máy điện than ở ngoại ô Bắc Kinh trong vài năm gần đây để giảm khói bụi ô nhiễm. Ảnh: Getty.

Theo báo cáo vào tháng 3/2019 của Bộ Môi trường Trung Quốc, kế hoạch chuyển đổi phương thức sưởi ấm từ than sang điện và khí đốt được mở rộng lên đến 35 thành phố trong năm 2018. Các chính quyền địa phương huy động thêm quỹ hoặc vận động tài trợ để trợ giá cho người dân sử dụng nhiên liệu sạch.

Có thêm 4,8 triệu hộ dân dừng sử dụng lò sưởi bằng than đá trong năm 2018, cao hơn mức tăng 4 triệu hộ dân khi nỗ lực chuyển đổi bắt đầu vào năm 2017. Riêng tại khu vực phía bắc Trung Quốc từ năm 2016 đến nay, gần 13 triệu hộ dân đã thay đổi sang thiết bị sưởi bằng khí đốt hoặc điện. 

Chương trình sưởi ấm mùa đông của nước này đốt gần 400 triệu tấn than/năm. Với tác động ô nhiễm môi trường rõ rệt của đốt than đá, Bắc Kinh xem việc sử dụng những nguồn năng lượng sạch thay thế là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nay đã bước sang năm thứ 6.

Ô nhiễm tăng, Thái Lan phát máy lọc không khí cho trường học ở Bangkok

Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ giao lô máy lọc không khí đầu tiên cho 37 trường công lập ở Bangkok và vùng lân cận trong vòng hai tuần tới trong nỗ lực chống tình trạng ô nhiễm tăng cao.

Người nước ngoài ở HN: ‘Ô nhiễm không khí sẽ buộc tôi phải chuyển đi'

Trưa ngày 1/10, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo AirVisual. Nhiều người nước ngoài đang làm việc ở thủ đô cho biết ô nhiễm có thể buộc họ phải chuyển đi nơi khác.


Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm