Theo Bangkok Post, Cục Kiểm soát Ô nhiễm của Thái Lan cho biết ở hầu hết khu vực nói trên, bụi mịn PM2.5 (các chất dạng hạt có đường kính dưới 2,5 micromet) có nồng độ vượt quá 50 microgram/m3 trong vòng 24 giờ qua, tức vượt ngưỡng nguy hiểm. Tệ nhất là gần đường Charansanitwong ở quận Bang Phlad, Bangkok, với nồng độ 81 mcg.
Bụi siêu mịn PM2.5 có thể đi sâu vào phổi và vào máu, gây ra vấn đề về hô hấp, tăng nguy cơ bệnh tuần hoàn và ung thư.
Pralong Damrongthai, người đứng đầu Cục Kiểm soát Ô nhiễm của Thái Lan, nói với đài Thai PBS ngày 30/9 rằng khói bụi ở Bangkok không phải do cháy rừng ở Indonesia, mà do độ ẩm cao và không khí lưu thông kém, theo hãng tin AP.
Khói bụi bao phủ công viên Lumpini ở trung tâm Bangkok ngày 30/9. Ảnh: AP. |
Ngày 30/9, Thủ tướng Prayut Chan-ocha viết trên Facebook khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài và kêu gọi các xí nghiệp, công trình xây dựng tìm cách giảm lượng khói bụi, khí thải. Khí thải từ sản xuất công nghiệp, xây dựng, đốt đồng và phương tiện giao thông được cho là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Thái Lan trong những năm gần đây.
Ngày 1/10, thủ tướng Thái Lan đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp qua video call với 12 lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành liên quan sau khi chỉ số PM2.5 vượt quá ngưỡng an toàn ở Bangkok và các khu vực xung quanh. Chính quyền đã cho xịt nước ở quận Laksi và một số khu vực khác của Bangkok để giảm chỉ số bụi mịn PM2.5 quanh các trường học và tuyến đường lớn.
“Nhiều bạn tôi nói họ bị chảy nước mũi khi lên văn phòng”, Piyavathara Natthadana, một nhân viên văn phòng đang đeo khẩu trang nói với AP. “Họ bị cay mắt, tất cả họ bị ho. Không còn bình thường nữa rồi”.
“Chúng tôi không làm được gì nhiều. Chúng tôi phải theo dõi tin tức và bảo vệ chính mình”, Chakrapong Sanguanjit, một cư dân Bangkok đang đi trên phố, đeo khẩu trang, nói với AP.
Người tham gia giao thông mang khẩu trang tại Bangkok hôm 1/10. Ảnh: Reuters. |
Nhiều thành phố các nước trong khu vực đã chìm trong khói bụi những tuần qua, đặc biệt là Singapore và Kuala Lumpur, do cháy rừng ở Indonesia. Tình trạng này được cải thiện tuần trước, sau khi mưa ở Sumatra và Kalimantan làm giảm số điểm nóng về cháy rừng ở Indonesia, theo Channel News Asia.