Trong năm qua, số bệnh nhân được điều trị mỗi ngày tại bệnh viện nơi bác sĩ tim mạch Ade Imasanti Sapardan làm việc ở thủ đô Indonesia đã tăng gần gấp đôi lên khoảng 100.
Sapardan, người thăm khám tới 150 bệnh nhân mỗi tuần, cho rằng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng là lý do chính cho sự gia tăng bệnh nhân đến điều trị tại Jakarta, nơi có 10 triệu người.
"Người dân ở Jakarta bị ô nhiễm nặng mỗi ngày... mọi người không thực sự hít thở không khí an toàn", bác sĩ Sapardan nói với Reuters.
Một nửa số bệnh nhân của bà bị các triệu chứng liên quan đến ô nhiễm không khí như đau ngực, ho và khó thở.
Jakarta, Hà Nội ô nhiễm nhất Đông Nam Á
Chín trong số 10 người hít thở không khí ô nhiễm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một vấn đề ảnh hưởng đến nhiều thành phố ở châu Á hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Đốt nhiên liệu hóa thạch góp phần lớn gây ô nhiễm không khí, làm khoảng 7 triệu người chết sớm mỗi năm. Các nhà vận động môi trường và chuyên gia năng lượng cho biết nhu cầu ngày càng tăng của châu Á đối với năng lượng đốt than là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm.
Một người đàn ông câu cá khi sà lan đi qua sông Mahakam để tải than từ khu vực khai thác ở Samarinda, Đông Kalimantan, Indonesia. Ảnh: AFP/Getty. |
Nhu cầu than bên ngoài châu Á đạt đỉnh vào năm 1988 và kể từ đó đã giảm 1/3.
Cùng thời kỳ, nhu cầu than đã tăng gấp 3,5 lần ở châu Á, nơi hiện tiêu thụ phần lớn năng lượng than trên thế giới, theo một báo cáo được công bố vào cuối năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
Một báo cáo chất lượng không khí do Greenpeace và IQAir AirVisual công bố trong tháng 3 cho thấy 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới phần lớn ở châu Á, đặc biệt ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất ở Đông Nam Á, theo báo cáo. Ngoài điện than, việc người dân đốt than trong sinh hoạt hàng ngày cũng được coi là khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Trong khi Trung Quốc đã hạn chế sử dụng than để đáp ứng các mục tiêu giảm khói bụi có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, Ấn Độ năm nay đã phát động chương trình chống ô nhiễm trên toàn quốc, Tsafos cho biết Đông Nam Á hiện vẫn là "điểm mù".
Giống như nhiều nước châu Á, Indonesia đang trải qua sự gia tăng nhanh về đô thị hóa, dân số và tăng trưởng kinh tế và vật lộn để tìm cách tăng sản lượng điện.
Jakarta có khoảng 10 nhà máy điện than trong bán kính 100 km của thành phố, với khoảng ba nhà máy khác đã được lên kế hoạch xây dựng.
Lời kêu gọi không khí sạch
Châu Á - Thái Bình Dương tiêu thụ 75% lượng than thế giới trong năm 2017, theo đánh giá của BP về năng lượng thế giới, tăng từ 50% vào 20 năm trước.
Các chuyên gia năng lượng cho biết, sự phong phú của than sản xuất tại địa phương, giá rẻ và thất bại trong việc thúc đẩy các nguồn năng lượng thay thế là những lý do chính khiến châu Á đi ngược lại xu hướng toàn cầu giảm sử dụng than.
"Chúng tôi có những trường hợp ở Philippines, nơi mọi người đang mắc các bệnh về đường hô hấp vì các nhà máy điện than và tro than mà họ sẽ không bao giờ phục hồi", Rayyan Hassan, Giám đốc điều hành tại Diễn đàn NGO của ADB ở Manila, cho biết.
Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy điện than không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Ảnh: AP. |
Với nhiều ngân hàng đầu tư và phát triển đang bỏ các dự án than, việc tài trợ cho sự bùng nổ than của châu Á được dành cho các ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn và các cơ quan song phương, các chuyên gia năng lượng và các nhà vận động môi trường cho biết.
Các nhà hoạt động vì môi trường, những người cũng viện dẫn Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cho biết, việc Nhật Bản tăng cường năng lực điện than sau thảm họa hạt nhân Fukushima đã dẫn đến lợi ích lớn trong công nghệ than sạch hiện được xuất khẩu trên khắp châu Á.
"Người ta cho rằng rất nhiều điều đang được kích hoạt bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường - rằng Trung Quốc đang xuất khẩu công nghệ và sản xuất than cho khu vực", Tsafos nói.
Nhưng khi năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn, các động lực thị trường sẽ giúp châu Á bỏ dần than đá, theo Yongping Zhai, chuyên gia năng lượng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Chính sách năng lượng 2009 của ADB tuyên bố rằng ngân hàng vẫn có thể xem xét các dự án than trong những trường hợp hiếm hoi khi chúng cung cấp năng lượng cho người nghèo và sử dụng các công nghệ tiên tiến.
Mặc dù vậy, ADB không có dự án điện than nào đang tiến hành và dự án điện than cuối cùng mà họ tham gia là từ năm 2013, ông Zhai nói.
Mặc dù ảnh hưởng của ô nhiễm không khí ở châu Á sẽ rõ rệt trong nhiều thập kỷ, Tsafos cho biết các lời kêu gọi không khí sạch ở Trung Quốc đã dẫn đến việc giảm tiêu thụ than và điều này giờ đây có thể được nhân đôi ở các khu vực khác của châu Á.
"Ô nhiễm không khí tại địa phương có thể là một tác nhân thực sự tốt của sự thay đổi. Đó là nơi áp lực có thể xuất hiện rất nhanh bởi vì mọi người có thể thấy thiệt hại còn các chính trị gia có thể chứng tỏ hiệu quả trong chính sách của họ", ông nói.
Tại họp báo chiều 1/10, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, nói mỗi ngày người dân TP sử dụng 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường. Ngoài ra, đốt rơm rạ cũng thải ra lượng lớn khí CO2, gây cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, ông Thái phát biểu.