Dẫn ba nguồn tin trong chính phủ Mỹ và ba nguồn tin trong khu vực kinh tế tư nhân, Reuters tiết lộ Bắc Kinh ngày 3/5 gửi điện tín ngoại giao cho Washington kèm theo chỉnh sửa trong gần 150 trang dự thảo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Các nguồn tin cho biết yêu cầu điều chỉnh từ phía Trung Quốc nhằm giảm nhẹ nhiều đề nghị cốt lõi trong lập trường thương mại của Mỹ.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng sau khi Bắc Kinh yêu cầu chỉnh sửa phần lớn nội dung dự thảo thỏa thuận. Ảnh: Reuters. |
Bỏ cam kết điều chỉnh pháp luật
Trong bảy chương của dự thảo thỏa thuận thương mại, phía Trung Quốc tự xóa phần cam kết điều chỉnh các điều luật liên quan đến hàng loạt vấn đề như: tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại; cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ; luật cạnh tranh; mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận khu vực dịch vụ tài chính và chính sách tiền tệ.
Đó đều là những vấn đề khiến Washington không hài lòng với chính sách thương mại của Bắc Kinh, châm ngòi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/5 đáp trả bằng lời cảnh báo trên mạng xã hội Twitter. Ông tuyên bố sẽ nâng mức thuế đối với 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 25%. Mức áp thuế mới dự kiến có hiệu lực vào ngày 10/5, giữa thời điểm Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạ đang có mặt tại Washington tham dự vòng đàm phán thương mại mới.
Bắc Kinh đòi lược bỏ những ràng buộc về điều chỉnh pháp lý đã đi ngược lại ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đàm phán mà Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer theo đuổi. Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump nhìn nhận việc Trung Quốc điều chỉnh pháp luật và có khả năng kiểm chứng là sự thay đổi cần thiết sau nhiều thập niên Bắc Kinh chỉ hứa suông với Mỹ chứ không có hành động thiết thực.
Ông Lighthizer trong thời gian qua nỗ lực thiết lập một cơ chế buộc Bắc Kinh đảm bảo thực thi cam kết, giống với mô hình trừng phạt kinh tế áp dụng với Triều Tiên và Iran hơn là một thỏa thuận thương mại thông thường, theo Reuters. Theo một nguồn tin ở Washington, việc loại bỏ những ràng buộc pháp lý khỏi dự thảo "làm suy yếu kiến trúc cốt lõi của thỏa thuận" mà phía Mỹ đang hướng đến.
"Quá trình đàm phán"
Trả lời họp báo ngày 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhận định việc giải quyết các bất đồng về thương mại là một phần của "quá trình đàm phán". Ông nói chính phủ Trung Quốc không "né tránh rắc rối".
Ông Cảnh sau đó từ chối trả lời những câu hỏi đi sâu vào vấn đề đàm phán thương mại, cho rằng báo chí cần liên hệ trực tiếp Bộ Thương mại Trung Quốc.
Theo các nguồn thạo tin, cả Đại diện Thương mại Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đều bất ngờ trước mức độ yêu cầu chỉnh sửa dự thảo mà phía Bắc Kinh đặt ra.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Hai quan chức này ngày 6/5 xác nhận sự thay đổi đột ngột của Trung Quốc là nguyên nhân buộc Tổng thống Trump ra lệnh áp thuế mới. Cả Lighthizer và Mnuchin đều không tiết lộ cụ thể quy mô chỉnh sửa dự thảo mà Bắc Kinh đề xuất.
Theo hai nguồn tin, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuần qua tìm cách thuyết phục Lighthizer và Mnuchin tin tưởng Bắc Kinh, rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hoàn thành những cam kết của mình thông qua điều chỉnh quản lý và hành chính. Tuy nhiên, hai nhân vật hàng đầu trong đoàn đàm phán thương mại của Washington xem đề nghị này là không thể chấp nhận, lưu ý rằng phía Trung Quốc đã có nhiều lần không giữ lời thực hiện cải cách.
Một nguồn tin khác trong khu vực tư nhân tiết lộ vòng đàm phán gần nhất đã diễn ra vô cùng tồi tệ vì "Trung Quốc bỗng tham lam".
"Phía Trung Quốc đòi đàm phán lại hàng chục vấn đề. Buổi đối thoại diễn tra tồi tệ đến mức tôi cảm thấy ngạc nhiên rằng Tổng thống Trump đến chủ nhật vừa qua mới công khai nổi giận. Sau gần 20 năm thoải mái qua mặt Mỹ, họ có vẻ chưa tìm ra phép tính đúng với chính quyền đương nhiệm", nguồn tin này mô tả.