Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới ở Hoàng Hải, khi Hải quân Trung Quốc đang tìm cách phát triển khả năng răn đe và phản công hạt nhân trên biển, South China Morning Post cho biết.
Đột phá nhưng vẫn kém Nga, Mỹ
Loại SLBM mới được gọi là JL-3 đã tiến hành đợt thử nghiệm tại Vịnh Bột Hải vào cuối tháng trước, một nguồn tin am hiểu vấn đề nói với South China Morning Post. SLBM JL-3 đạt tầm bắn khoảng 9.000 km, ngắn hơn so với 12.000 km của SLBM Trident II của Mỹ và Bulava của Nga.
Tuy vậy, nguồn tin nói rằng đợt thử nghiệm thành công vẫn thể hiện bước tiến đáng kể của quân đội Trung Quốc so với loại SLBM trước đó là JL-2, có tầm bắn khoảng 7.000 km. Nguồn tin cho biết sở dĩ SLBM của Trung Quốc có tầm bắn hạn chế vì Bắc Kinh vẫn chưa tạo ra được sự đột phá công nghệ trong việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 của Trung Quốc. Ảnh: Navy.81. |
Trong khi đó, Washington Free Beacon trích dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, cho biết tên lửa được phóng từ một tàu ngầm thông thường đã được sửa đổi vào ngày 24/11, chứ không phải phóng từ tàu ngầm hạt nhân.
Series tên lửa JL, hay Julang có nghĩa là “sóng lớn” theo tiếng Trung. Nó là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế để phóng từ tàu ngầm hạt nhân, một phần trong chiến lược mở rộng năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc.
Li Jie, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh cho biết khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể khi JL-3 đạt được tầm bắn đầy đủ. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc phóng trên đất liền đạt tầm bắn 12.000 km, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở lục địa Mỹ trong vòng một giờ.
“Nếu Trung Quốc có thể cải thiện khả năng tấn công của JL-3, nó sẽ tạo cho Bắc Kinh nhiều quyền lực hơn trong các vấn đề quân sự, ngoại giao và kinh tế”, chuyên gia Li nói. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định khả năng này có thể được hoàn thiện trong vòng 4 năm tới, khi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo của Trung Quốc được hạ thủy.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Hong Kong, cho biết khi những tàu ngầm mới đi vào hoạt động, tên lửa JL-3 sẽ phát huy hết tiềm năng của nó. Vị chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc chỉ muốn thể hiện họ có khả năng răn đe hạt nhân. Đó là chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.
Chuyên gia Song nhận định Trung Quốc sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua hạt nhân với Nga và Mỹ bằng cách chế tạo hàng nghìn đầu đạn hạt nhân và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) đắt đỏ. Trung Quốc chỉ phát triển số lượng nhỏ SSBN và tên lửa SLBM khi trọng tâm chính của PLA là đảm bảo khả năng đáp trả trong trường hợp Trung Quốc bị tấn công hạt nhân.
Cải thiện công nghệ, thu hẹp khoảng cách
Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp về số lượng, thay vào đó Bắc Kinh sẽ tập trung cải thiện công nghệ để thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Nga về tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II của Mỹ trong một thử nghiệm trên biển. Ảnh: Reuters. |
JL-3 có thể tấn công Mỹ nhưng không phải trên cả nước. Một thực tế là Mỹ và Nga có công nghệ tiên tiến hơn nhiều trong lĩnh vực tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, ông Zhou nói.
Trung Quốc có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, mỗi tàu có thể mang theo 16 SLBM JL-2. Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về phát triển quân sự của Trung Quốc, tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo Type-096 có thể mang theo tới 24 SLBM JL-3.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, mỗi tàu có thể mang theo 24 SLBM Triden II. Washington đang phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược Columbia thế hệ tiếp theo để trang bị phiên bản nâng cấp của tên lửa Trident II, một trong những SLBM tiên tiến nhất thế giới.
Theo tình báo phương Tây, Hải quân Nga có khoảng 10 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta III/IV, cùng với 3 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Borei, mỗi tàu có thể mang theo 16 SLBM Bulava. Moscow dự kiến đóng mới thêm 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei vào năm 2020.