Chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5 Chengdu J-20 của Trung Quốc đã đạt được cột mốc mới, khi lần đầu công bố vũ khí trước công chúng.
Ngày 11/11, ngày cuối cùng của triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2018, 4 chiếc tiêm kích J-20 có màn trình diễn ấn tượng, trong đó hai chiếc đã mở cửa khoang vũ khí để khoe tên lửa bên trong.
J-20 khoe vũ khí đúng vào kỷ niệm 69 năm thành lập không quân Trung Quốc (11/11/1949 – 11/11/2018). Điều này cho thấy J-20 dường như đã sẵn sàng xung trận. Bắc Kinh đã có trong tay quân bài chiến lược để đối phó với tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ.
Chiếc J-20 chỉ mất khoảng một giây để mở cửa khoang vũ khí trong khi vẫn bay ở tốc độ cao. Đây là tính năng cần thiết để phóng tên lửa khi không chiến tốc độ cao. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ J-20 có thể phóng tên lửa trong khi đang bay ở tốc độ cao thật hay không.
Một nguồn tin giấu tên nói với SCMP rằng mở cửa khoang vũ khí khi bay ở tốc độ cao là một thách thức công nghệ rất lớn. Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga vẫn chưa thực hiện được điều này. Hiện tại, chỉ có F-22 và F-35 của Mỹ chứng minh được khả năng mở cửa khoang vũ khí và phóng tên lửa ở tốc độ cao.
Tiêm kích tàng hình J-20 mở cửa khoe vũ khí tại triển lãm Chu Hải. Ảnh: FATIII. |
Một tính năng mới trên J-20 là cửa khoang vũ khí bên hông lập tức đóng lại khi tên lửa được đưa ra ngoài. Tuy vậy, giới phân tích đã nhận thấy một số hạn chế của J-20 trong lần đầu nó khoe vũ khí.
Kích thước lớn, vũ khí ít
J-20 được bố trí khoang vũ khí lớn dưới bụng lắp 4 tên lửa không đối không tầm xa PL-15, 2 khoang nhỏ bên hông động cơ có thể mang theo 2 tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10. Tổng tải trọng vũ khí của J-20 gồm 6 tên lửa, với 4 tên lửa tầm xa và 2 tầm ngắn.
Ngoài ra, J-20 dường như không được trang bị pháo, hoặc tính năng này chưa được công bố. Các bài viết về J-20 trên truyền thông Trung Quốc chỉ đề cập đến tên lửa mà không thấy nhắc đến pháo. Nếu không được trang bị pháo, đây có thể là thiếu sót lớn đối với J-20. Pháo là vũ khí không thể thiếu trong các tình huống cận chiến, đặc biệt là khi đã phóng hết tên lửa.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ có thể mang theo tổng cộng 8 tên lửa, gồm 6 tên lửa tầm xa và 2 tên lửa tầm ngắn, cùng một pháo M61A2, 6 nòng 20 mm. Trong khi đó, F-22 có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn J-20.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga có thể mang theo 8 tên lửa, gồm 6 tên lửa tầm xa và 2 tên lửa tầm ngắn, cùng pháo 30 mm. Hiện tại, khoang vũ khí của Su-57 được giới phân tích quân sự đánh giá cao nhất vì có thể mang được nhiều vũ khí, gồm tên lửa đối không, đối đất và chống hạm.
Động cơ của J-20 bị đánh giá lỗi thời và không đạt tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ 5. Ảnh: Sina. |
J-20 là tiêm kích tàng hình lớn nhất trong số các dự án máy bay chiến đấu thế hệ 5 trên thế giới nhưng số lượng tên lửa mang theo lại ít nhất. Các nhà phân tích quân sự cho rằng màn trình diễn của J-20 nhằm mục đích khoe sức mạnh của không quân Trung Quốc. Các tên lửa nó mang theo chỉ là mô hình và vẫn cần nhiều thời gian để thử nghiệm.
Động cơ lỗi thời
Một trong những hạn chế lớn nhất của J-20 nằm ở động cơ. Tiêm kích này vẫn sử dụng động cơ AL-31F của Nga vốn chế tạo cho tiêm kích dòng Su-27. Điều này khiến J-20 không đạt tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ 5. Động cơ AL-31F được đánh giá không đủ lực đẩy cho máy bay lớn như J-20.
Trung Quốc đã cố gắng phát triển động cơ WS-15 với nhiều tính năng tiên tiến để trang bị cho J-20. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, động cơ này không đạt hiệu suất và độ tin cậy so với tiêu chuẩn đề ra. Một nguồn tin quân sự giấu tên nói rằng họ phải tiếp tục sử dụng động cơ của Nga để đảm bảo an toàn.
Antony Wong Dong, nhà bình luận quân sự ở Macau, cho biết ngay cả khi động cơ WS-15 được đưa vào sử dụng, Trung Quốc vẫn cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện chiếc J-20 thành máy bay chiến đấu tàng hình đúng nghĩa.