Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 23/2 cho biết nước này có thêm 648 ca nhiễm mới trong ngày 22/2, bao gồm 630 ca tại Hồ Bắc (541 tại Vũ Hán).
Số ca tử vong trong ngày là 97, với 96 ca tại Hồ Bắc và 1 tại Quảng Đông. Tổng cộng, Trung Quốc đã ghi nhận 76.936 ca nhiễm, trong đó 2.442 người đã tử vong, 51.606 người đang được điều trị và 22.888 người đã xuất viện.
Tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch, ghi nhận 630 ca nhiễm mới trong ngày 22/2, tăng gần gấp đôi so với 366 ca ngày trước đó, theo ủy ban y tế tỉnh.
Số lượng ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã có những dấu hiệu giảm. Ảnh: Reuters. |
Tổng số người nhiễm virus tại tỉnh hiện là 64.084 người. Dù tăng so với một ngày trước, số ca nhiễm mới vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên dưới 2.000 ca/ngày trong những tuần trước.
Trong khi đó, dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát mạnh bên ngoài Trung Quốc đại lục. Hàn Quốc hôm 22/2 thông báo phát hiện thêm 229 người dương tính với virus, mức tăng lớn nhất theo ngày kể từ khi ổ dịch xuất hiện tại Daegu, thành phố lớn thứ 4 của nước này.
Hiện nước này đã có 433 ca nhiễm, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản, tăng nhanh chóng so với chỉ vài ca ít ngày trước.
Nhà thờ của giáo phái Shincheonji ở Daegu trở thành tâm điểm của dịch sau khi một người nhiễm virus, được giới chức y tế Hàn Quốc gọi là "Bệnh nhân số 31", tham dự một số thánh lễ tại đây trước và sau khi xuất hiện triệu chứng. Nữ bệnh nhân 61 tuổi được nhận định là một trường hợp "siêu lây nhiễm".
Tại Iran, ít nhất 28 người được xác nhận dương tính với virus, trong đó 5 người đã tử vong. Theo số liệu này, tỷ lệ tử vong ở mức 18%, cao hơn rất nhiều so với mức 3% tại Trung Quốc.
Nhân viên tại bệnh viện Tongji ở tâm điểm dịch Vũ Hán. Ảnh: Xinhua. |
Virus đã xuất hiện ở hầu hết thành phố lớn của Iran, bao gồm thủ đô Tehran, kể từ khi các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận hôm 19/2. Iran cũng là nơi đầu tiên tại Trung Đông có người tử vong vì dịch bệnh.
Truyền thông nhà nước Iran hôm 23/2 cho biết chính phủ đã yêu cầu đóng cửa các trường học tại 14 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Tehran và Qom. Mọi sự kiện nghệ thuật và phim ảnh được tổ chức trong hội trường cũng sẽ bị hủy cho đến hết tuần.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về tốc độc lây lan dịch bệnh tại Iran, cũng như việc virus lan từ nước này sang các nước khác. Israel và Lebanon đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên hôm 22/2.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi việc Nhật Bản cho phép hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess về nước, sau khi một vài công dân Australia, 18 công dân Mỹ và một công dân Israel cho kết quả dương tính với virus tại quê nhà.
Hai hành khách người Nhật trên con tàu bị cách ly 2 tuần tại cảng Yokohama đã tử vong. Trong khi đó, một phụ nữ Nhật trong nhóm mới nhất được phép lên bờ cho kết quả dương tính với virus sau khi về nhà ở tỉnh Tochigi.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nếu các nước không nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của virus, "dịch bệnh có thể phát triển theo mọi hướng, và có thể trở thành một đống hỗn độn".
Một nghiên cứu từ Imperial College London ước tính "khoảng 2/3 ca bệnh Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc đại lục vẫn chưa được phát hiện trên toàn cầu", theo AFP.
Tại Italy, số ca nhiễm đã tăng nhanh lên 79 ca hôm 22/2, cao nhất ngoài châu Á. Thủ tướng Giuseppe Conte đã ra lệnh phong tỏa các địa phương được xem là điểm nóng dịch bệnh, tập trung ở 2 vùng phía bắc là Lombardy và Veneto.
Ổ dịch ở Lombardy bùng phát từ một người đàn ông 38 tuổi, nay được giới chức gọi là "Bệnh nhân số 1".
Mọi ca nhiễm tại địa phương đều có liên quan đến người này, bao gồm nhân viên y tế, họ hàng và bạn bè. Italy cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong, những người đầu tiên chết vì virus corona chủng mới tại châu Âu.