Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc ngày 15/7 dự báo mưa lớn tiếp diễn tại Tứ Xuyên và An Huy, miền Trung của Trung Quốc. Đợt mưa kéo dài trong vài ngày trước khi tiếp tục di chuyển về phía bắc, hướng đến khu vực thủ đô Bắc Kinh.
Mưa lớn kéo dài khiến người dân lo ngại về sức chịu đựng của đập Tam Hiệp, siêu dự án thủy điện nằm trên dòng Trường Giang, con sông dài nhất Trung Quốc.
Cán bộ địa phương tại huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc khẩn trương củng cố đê bao ứng phó lũ lụt ngày 11/7. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Các đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy Vũ Hán, một trong các thành phố nằm ở lưu vực sông Trường Giang, vẫn chìm trong nước lũ. Giới chức địa phương khẩn trương củng cố đê bao nhiều nơi. Mực nước sông chảy qua thành phố ngày 15/7 đã lên đến 28,47 m và đã vượt mức báo động là 27,50 m, theo Nikkei Asian Review.
Theo thống kê của giới chức Trung Quốc, lượng mưa trung bình cả nước kể từ tháng 6 đến nay đã đạt 172,7 mm, cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 12%.
Cơ quan chức năng cho biết lượng mưa ghi nhận tại châu thổ sông Trường Giang kể từ đầu mùa mưa vào tháng 6 đã đạt 600 mm, cao hơn trận lũ nghiêm trọng năm 2016 là 580 mm. Con số này đang tiến gần đến cột mốc 700 mm, lượng mưa ghi nhận trong trận "đại hồng thủy" năm 1998.
Ngập lụt tại các địa phương gần hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, thuộc tỉnh Giang Tây - đang ngày càng nghiêm trọng. Giới chức nước này cho biết khoảng 6,4 triệu người buộc phải sơ tán. Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc ngày 13/7, tổng cộng 38 triệu người trên cả nước đã phải di dời vì mưa lũ.
Mưa tiếp tục di chuyển về hướng bắc, đến khu vực Tân Khu Hùng An và Bảo Định nằm ở phía nam thủ đô Bắc Kinh. Hùng An là một trong những vùng phát triển kinh tế then chốt được chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đây cũng là nơi đặt sân bay quốc tế Đại Hưng, cửa ngõ giao thông lớn nhất Bắc Kinh. Tân Hoa xã ngày 13/7 cho biết các biện pháp ứng phó mưa lũ ở hai khu vực trên đang được thắt chặt.