Mục tiêu của APEC là thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác trong khu vực. Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Jenik Radon, Trường Các vấn đề Công và Quốc tế (SIPA) thuộc Đại học Columbia, về những vấn đề mà các chính phủ phải giải quyết trong quá trình tự do hóa thương mại với những cơ chế như TPP hoặc APEC.
- Một trong những chủ đề của APEC năm nay là phát triển bao trùm. Ông có nghĩ là APEC đã dành đủ sự chú ý cho những vấn đề khác ngoài thương mại chưa?
- Đây không chỉ là vấn đề của APEC mà cả các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Tôi ủng hộ thương mại và kinh doanh, dù vậy, kinh tế có ảnh hưởng đến con người, đến các nhà nước. Mọi thứ không chỉ là câu chuyện kiếm tiền đầu tư mà phải là đầu tư có trách nhiệm. TPP tốt hơn một số cơ chế khác, nó có tiến bộ, dù tôi vẫn cho là nó chưa đủ.
Giáo sư Jenik Radon. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tôi cũng cho rằng không nên phân biệt giữa thương mại trong nước và thương mại quốc tế, chúng ta nên phân biệt điều mọi người muốn làm và cư xử với họ theo mục đích của họ. Đôi khi chúng ta cần mở cửa, nhưng đôi khi phải bảo vệ.
Giống như khi chúng ta nói về doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù ở Mỹ hay Việt Nam, sức cạnh tranh của họ cũng không bằng các doanh nghiệp lớn, những công ty như Apple thì đủ tiền thuê nhiều luật sư, Hilton cũng vậy, vì vậy chúng ta cần đầu tư để các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn mạnh.
- Làm sao để khắc phục những chuyện này?
- Tôi cho rằng chúng ta nên có một thị trường mở nhưng cũng không được bỏ quên những người bị ảnh hưởng bởi thị trường tự do. Chúng ta cũng phải để tâm đến người không có nhiều tiếng nói, những người không có mặt trên bàn đàm phán. Bạn không thể nói “việc này tốt cho đất nước nhưng không tốt cho một nhóm người nào đó”. Đôi khi chúng ta cần một giai đoạn chuyển đổi, vì bạn đã quen với việc làm kinh doanh theo cách này, nhưng giờ phải làm cách khác. Chính phủ Đức làm rất tốt việc hỗ trợ chuyển đổi, khi họ đổi luật, họ luôn giúp đỡ các doanh nhân và người lao động thay đổi để thích ứng với mục tiêu mới. Đó là chìa khóa cho sự tiến bộ.
- Về TPP, nó không tốt ở đâu?
- Tôi nghĩ quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP là một sai lầm, nhưng tôi không đồng ý hoàn toàn với TPP. TPP-12 theo tôi không phải là một thỏa thuận được soạn thảo tốt nhất. Không phải lúc nào các chính phủ cũng có quyền áp đặt luật về môi trường, sức khỏe mà họ cho là cần thiết và phù hợp với cho cả đất nước. Nhà nước không nên chỉ là người đứng ra phân xử, đôi khi người ta cần có quyền kiện cả nhà nước.
Dù vậy, chúng ta không sống trong một thế giới riêng rẽ, chúng ta không thể làm gì một mình như cách đây vài trăm năm. Chúng ta phải có những chuẩn mực chung, chúng ta cần những chuẩn mực chung. TPP có vài điểm mơ hồ, nhưng tôi tin rằng nó có thể cải thiện.
Để hạn chế những hệ quả tiêu cực của tự do thương mại và toàn cầu hóa, sáng kiến ưu tiên của Việt Nam đối với Năm APEC 2017 bao gồm việc thúc đẩy phát triển bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường an ninh lương thực. Ảnh: AFP. |
- Ông có nghĩ là với TPP-11, các nhà đàm phán có thể khắc phục việc này không?
- Nếu họ tập trung vào nó. Vấn đề đầu tiên từ đầu họ không nhìn nhận nó. Vấn đề thứ hai lại là các vấn đề về môi trường, sức khỏe và sự an toàn. Họ cho rằng nhà nước Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác có thể cùng áp dụng các điều khoản về môi trường, y tế mà họ quyết định. Thế là đúng, nhưng rất mơ hồ. Một mặt, các điều khoản của TPP nói rằng “hãy thi hành luật này”, phần khác nó lại nói “tùy thuộc vào hoàn cảnh”. Là một luật sư, tôi sẽ chất vấn như vậy là có lý hay không.
Thứ ba, TPP không cấm các “thiên đường thuế”, mà là “kiểm soát”. Họ cho phép tôi thành lập một công ty ở những nơi né thuế, đầu tư vào nước họ, rồi tuyên bố tôi vẫn là một công ty Mỹ nhưng đến đây thông qua một nền kinh tế là “thiên đường né thuế”, họ cho phép đầu tư gián tiếp. Có nhiều câu trong phần này tôi cảm thấy mơ hồ, có thể bị diễn dịch nhiều cách.
- Sau khi Mỹ rút khỏi, liệu có khả năng nào Trung Quốc sẽ thay vào vị trí đó trong TPP không?
- Trung Quốc chưa từng được mời vào TPP. Trong khi đó, họ là một nền kinh tế lớn, tôi có thể hiểu là các nước đều muốn có Trung Quốc (vào một thỏa thuận thương mại tự do). Dù vậy, với một thỏa thuận rộng như TPP, người ta nên đi từng bước và không nên cố gắng đạt được đồng thuận với quá nhiều nước một lúc.
- Ông có nghĩ Mỹ đang cho Trung Quốc cơ hội để giành lấy vị trí lãnh đạo trong khu vực?
- Chúng ta không thể bỏ qua Trung Quốc. Họ là quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ 2 hoặc 3, tùy thuộc vào cách bạn xếp hạng. Chúng ta phải thỏa thuận, phải nói chuyện với Trung Quốc để có thể hiểu đúng về họ. Tôi không nghĩ là sẽ có chuyện một mất một còn ở đây, mà nó là cả 2 phía.