Tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 17/1, Zing đặt câu hỏi về kết quả xử lý tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê thời gian qua và giải pháp của Công an TP.HCM để trấn áp.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết hiện nay nổi lên tình trạng những người vay nợ của tổ chức tín dụng đen khi chưa thể trả nợ thì bị các nhóm này sử dụng nhiều cách thức như khủng bố tinh thần người thân quen (dù không liên quan).
Để ngăn chặn, Công an TP.HCM đã tập trung lực lượng xử lý. Theo thống kê, từ ngày 1/12/2020 đến nay, công an đã xử lý 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng SIM rác gọi điện đe dọa, giảm hơn 32% so với cùng kỳ.
Cảnh sát hình sự phát hiện, xử lý 120 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 45 vụ án, 65 bị can.
Trong số này, công an khởi tố 10 vụ với 27 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 3 vụ, 4 người; tạm đình chỉ điều tra 12 vụ; và đang xác minh, làm rõ 49 vụ.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong thời gian tới, Công an TP.HCM tiếp tục triển khai giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này.
Cụ thể: Tham mưu chính quyền địa phương khảo sát người nghèo có nhu cầu vay vốn để người dân có thể tiếp cận nguồn vay, đón Tết. Cùng với đó, công an mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm từ 15/12/2021 đến 14/2/2022 và có văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, đặc biệt là cảnh sát hình sự công an cấp quận/huyện không để tội phạm hoạt động.
"Đặc biệt, phải trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến tín dụng đen", ông Hà nói.
Về việc người không liên quan mà bị khủng bố về mặt tinh thần, bị quấy rối, xúc phạm nhân phẩm, thượng tá Hà tư vấn giải pháp khiếu nại công ty tài chính về biện pháp đôn đốc, đòi nợ. Ngoài ra, người dân có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an.