Ban quản lý chung cư Hado Centrosa cho rằng TP.HCM đang vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt. Độ ẩm cao là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại côn trùng gây hại phát triển, trong đó có kiến ba khoang.
Loại kiến này có thân hình thon, dài khoảng 1-2cm, giống hạt thóc, có cánh bay, bụng thon nhọn màu đen, có một khoang màu đỏ.
Ban quản lý lưu ý cư dân không chạm, bắt, đập, giết bằng tay do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa chất độc gây rộp, phồng, viêm da.
Chung cư Hado Centrosa (quận 10) đưa ra nhiều biện pháp để cư dân đối phó với kiến ba khoang. Ảnh: Hado gruop. |
Ban quản lý chung cư đã tăng cường kiểm tra xử lý kiến ba khoang tại hành lang, hệ thống cống, hố ga, nhà rác, các bụi cây, lối thang bộ,...
Ban quản lý khuyến cáo cư dân phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý khi phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng.
Cư dân cần chú ý buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm kính ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ, cửa ra vào có lỗ thoát khí.
Vào buổi tối, cư dân nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuyp, bóng đèn neon) mà nên sử dụng bóng đèn có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc).
Cần buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài tránh thu hút kiến ba khoang, sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bỏ vào nhà, sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát.
Trước khi đi ngủ, mọi người nên kiểm tra kỹ giường ngủ, chăn chiếu, trước khi mặc quần áo cần giũ sạch. Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.
Khi bị kiến ba khoang đốt hoặc vô tình bị chất độc của chúng dính vào, cần lấy nước sạch rửa chỗ kiến đốt sau đó rửa bằng xà phòng thật nhẹ nhàng, nhanh chóng bôi hồ nước hoặc thuốc và đến bệnh viện để thăm khám.
Trong trường hợp nghiêm trọng cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra và không nên sử dụng các thuốc điều trị không rõ công năng. Tự trang bị các chai xịt côn trùng để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với kiến ba khoang.
Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da Liễu TP.HCM), mùa mưa là lúc thời tiết ẩm ướt, tạo môi trường cho côn trùng phát triển. Vết thương từ kiến ba khoang gây viêm da tiếp xúc dị ứng cho người bệnh.
Cơ chế của căn bệnh này là vết thương lan trên cơ thể người bệnh chứ không lây sang người khác. Quá trình điều trị sẽ mất tầm 7-10 ngày. Vết thương lành chỉ để lại vết thâm, ít khi có sẹo trên da.
Triệu chứng thường gặp là da nổi các nốt sần, sau đó có các mảng hồng ban trên da. Tiếp đến, sẽ có chùm mụn nước ngay tại vết thương và dễ lan trên người. Để sơ cứu sau khi bị kiến cắn, người bệnh không nên sờ, đụng vào vết thương.
"Nên sử dụng thuốc bôi để làm dịu vết sần trên da. Trường hợp nặng hơn có thể đến các phòng khám chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị", bác sĩ Thảo tư vấn.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.