Tuy nhiên, một luật sư cho rằng việc cắt nước cư dân không phải là cắt "tiện ích" và ban quản trị đang làm sai luật.
Sau sự việc cư dân bị cắt nước sinh hoạt sau khi căng băng rôn, đại diện Ban quản trị chung cư Centana Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) thừa nhận cư dân có quyền treo băng rôn khi bức xúc vấn đề nào đó, miễn không xúc phạm, vu khống cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, theo ông, việc căng băng rôn ở ban công vi phạm nội quy “Phơi, để quần áo và bất cứ vật dụng nào trên lan can hoặc từ phần không gian lan can trở lên hoặc vắt ngang cửa sổ của căn hộ”.
Do coi đó là vi phạm, ban quản trị chung cư tạm ngưng cung cấp nước tới một số căn hộ, đại diện ban quản trị trả lời Zing ngày 5/4.
Một số căn hộ tại chung cư Centana Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) căng băng rôn ngày 4/4. Ảnh: Trang Châu. |
Cơ sở để cắt nước được đại diện ban quản trị chung cư lý giải nằm trong điều 15 nội quy sử dụng nhà chung cư đã được cư dân thông qua tại Hội nghị nhà chung cư trước đó.
Điều 15 này cho biết tùy theo mức độ vi phạm mà ban quản lý sẽ có những bước xử lý cần thiết như nhắc nhở bằng miệng, gửi văn bản, giới hạn việc sử dụng một số tiện ích nhất định của tòa nhà. Nặng nhất, cư dân sẽ bị ngừng cung cấp các tiện ích liên quan.
Đến sáng 5/4, không còn cư dân nào căng băng rôn trước ban công và nước sinh hoạt cũng đã được mở.
Là một trong những người căng băng rôn và trải qua gần một ngày không có nước sinh hoạt, anh N.K.S. đã tháo băng rôn. Để được mở nước, đại diện căn hộ của anh S. phải ký cam kết không treo băng rôn nữa và giao nộp."Tôi không còn cách nào khác, phải tháo băng rôn và ký cam kết với ban quản lý vì nhà còn người cao tuổi, trẻ con rất cần nước để sử dụng", anh S. nói.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng một số vật dụng để ở khu vực ban công chung cư có thể rơi rớt, ảnh hưởng đến những căn hộ xung quanh nên Hội nghị nhà chung cư có thể đưa ra những nội quy cấm nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn cho cư dân.
Tuy vậy, luật sư Phát cho rằng cần bàn kỹ hơn về những chế tài đối với các căn hộ vi phạm nội quy. Việc xử lý vi phạm phải đảm bảo không làm tổn hại đến quyền của cư dân.
Cụ thể, trong câu chuyện xảy ra tại chung cư Centana Thủ Thiêm, việc cung cấp nước đến chung cư không phải là tiện ích do ban quản lý cung cấp. Điều này được thể hiện rõ theo quy định tại Phụ lục 2 của TT02/2016/TT-BXD về quy chế sử dụng, quản lý nhà chung cư, nên đơn vị không có quyền ngưng cung cấp nước tới căn hộ của cư dân. Tiện ích của chung cư chỉ có thể là thẻ thang máy, thẻ phòng gym, hồ bơi, thẻ giữ xe,…
“Nước, điện là nhu cầu tối thiểu của công dân nên việc cắt điện nước sẽ hạn chế quyền được sống của họ. Ban quản trị, ban quản lý đang làm sai luật trong trường hợp này”, luật sư Phát phân tích.