Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Vì sao tôi không dùng cầu vượt đi bộ?

Mặc dù được xây dựng tại nhiều nút giao thông đông đúc, một số cầu bộ hành tại TP.HCM vẫn nằm trong tình trạng vắng vẻ người qua lại.

Khoảng 11h-17h hàng ngày, lưu lượng giao thông tại khu vực gần ngã tư Hàng Xanh lên cầu Sài Gòn trở nên dày đặc. Tuy vậy, vẫn rất đông người đi bộ từ cổng ĐH Công nghệ TP.HCM, vượt dải phân cách để băng ngang đường Điện Biên Phủ.

Cách đó 500 m, trên cầu bộ hành Văn Thánh chỉ có vài người qua lại.

Tính đến năm 2020, TP.HCM có 27 cầu vượt bộ hành ở nhiều nút giao thông trong thành phố, giúp đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường cũng như hạn chế cản trở giao thông. Nhưng trên thực tế, nhiều cầu vượt vẫn bị người dân ngó lơ.


Khoảng cách xa, độ dốc lớn

Cầu vượt bộ hành Văn Thánh (quận Bình Thạnh) nằm ở vị trí gần nút giao đường Ung Văn Khiêm - cầu Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Sài Gòn. Đây là đoạn đường có 8 làn xe trước khi lên cầu Sài Gòn, các phương tiện luôn chạy với tốc độ cao. Cây cầu có thể là giải pháp hợp lý cho người đi bộ trong bối cảnh mật độ giao thông tăng cao tại khu vực này.

Trả lời Zing, nhiều người nói họ lựa chọn băng ngang qua đường Điện Biên Phủ thay vì qua cầu vì vị trí của cầu bất tiện.

nguoi di cau vuot bo hanh anh 1

Cầu bộ hành Văn Thánh nối hai phía đường Điện Biên Phủ, nằm ngay trước trung tâm thương mại Pearl Plaza, cách ĐH Công nghệ TP.HCM 500 m. Ảnh: Linh Thùy.

Trọng Nhân, sinh viên năm nhất ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ mỗi ngày đều phải qua trạm xe buýt đối diện để đón xe về nhà. Nếu băng ngang qua đường, anh chỉ mất 2-3 phút. Tuy nhiên, nếu qua đường trên cầu bộ hành Văn Thánh, anh sẽ phải men theo cầu Văn Thánh để đến cầu vượt. Tính ra, Trọng Nhân sẽ phải đi thêm một đoạn đường nữa, dài khoảng 1 km, mất 10-15 phút.

Vì thế, Nhân cũng như nhiều bạn sinh viên cho rằng chỉ cần cẩn thận một chút thì băng ngang đường vẫn sẽ tiện hơn đi bộ qua cầu vượt.

“Cầu vượt nằm cách xa trường, trạm xe buýt lại nằm ngay đối diện trường, nếu qua đường bằng cầu vượt sẽ mất thêm thời gian nên mình và các bạn vẫn chọn đi bộ qua đường cho tiện”, Trọng Nhân nói.

Khu vực này có hàng rào chắn bằng thép cao hơn đầu người tại các con lươn chia làn đường tại đường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, vì những bất tiện nêu trên, người dân khu vực này vẫn quyết định “chui rào” để qua đường thay vì đi cầu đi bộ.

nguoi di cau vuot bo hanh anh 2

T.N chọn băng ngang qua đường thay vì đi cầu bộ hành để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Linh Thùy.

Theo ông An, làm nghề buôn bán đối diện cổng ĐH Công nghệ TP.HCM, việc sinh viên, người dân băng qua đường thay vì leo cầu đi bộ là cực kỳ thường xuyên.

“Khu này va quẹt, tông xe xảy ra nhiều đến nỗi CSGT và chính quyền ‘nhẵn mặt’. Nhưng mà cầu ở xa quá, chỗ này (khu vực đối diện ĐH Công nghệ TP.HCM - PV) gần trạm xe buýt, gần trường học, gần mấy nhà xe đi tỉnh nên dân vẫn bất chấp thôi”, ông An chia sẻ.

Ngoài ra, các cầu vượt bộ hành hiện nay đều phải đảm bảo độ cao 4.75 m theo quy định. Cầu thang nối lên hai đầu cầu đều khá dốc, có nhiều bậc nhỏ, gây bất tiện cho người già, trẻ em, người khuyết tật.

nguoi di cau vuot bo hanh anh 3

Cầu thang dẫn lên cầu bộ hành khá cao, dốc, nhiều bậc nhỏ. Ảnh: Linh Thùy.

Ông Khánh (64 tuổi) hiện sống tại khu dân cư dọc đường Phạm Văn Đồng gần cầu bộ hành số 5 nhưng cho biết rất ít lên cầu vì lý do sức khỏe.

“Nay cháu ngoại đòi đi xem tàu hỏa thì tôi mới dẫn lên cầu chứ bình thường tôi không hay lên đây, dù nhà rất gần. Cầu cao, nhiều bậc nhỏ, thằng bé nhà tôi leo vài bậc lại phải bế. Già rồi, không cẩn thận để vấp té cả ông lẫn cháu thì khổ”, ông Khánh lý giải.

Không những các cây cầu bộ hành nằm trên các tuyến đường, cầu bộ hành nối các phân khu của các bệnh viện cũng không là lựa chọn ưu tiên của bệnh nhân, thân nhân người bệnh.

nguoi di cau vuot bo hanh anh 4

Người khám bệnh băng ngang lòng đường ngay dưới chân cầu vượt Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Ngọc An.

Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) gồm 2 khu bị ngăn cách bởi đường Nơ Trang Long. Bệnh nhân đến khám và điều trị muốn đi lại giữa 2 khu vực phải băng qua con đường này dưới dòng xe cộ tấp nập.

Hai năm nay, cây cầu bộ hành hiện đại nhất TP.HCM với 2 thang máy ở 2 đầu cầu được xây lên tại khu vực này để giúp y bác sĩ, bệnh nhân, thân nhân thuận tiện qua lại, giảm ùn tắc giao thông. Trái ngược với kỳ vọng trên, người dân vẫn còn thói quen băng ngang dưới lòng đường, bất chấp nguy hiểm.

“Mặc dù dòng xe đông nhưng khoảng cách giữa 2 khu của bệnh viện gần, đi qua đường sẽ thuận tiện hơn”, bà Thanh (quận 3) chia sẻ lý do.

Hai cầu bộ hành khác là cầu nối hai bên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đường Điện Biên Phủ, quận 3), Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, quận 1) được đầu tư kinh phí lớn để xây dựng cũng chịu chung số phận “ế khách”.


Lo ngại an toàn khi đi cầu bộ hành

Không chỉ nằm cách xa ĐH Công nghệ TP.HCM và trạm xe buýt, cầu vượt Văn Thánh còn không có mái che khiến việc qua đường của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các buổi trưa nắng.

Trần Hoàng, sinh viên năm 4 ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết việc đi một đoạn đường dài giữa trưa nắng để qua đường trên cầu vượt đi bộ sẽ khiến anh không chỉ mất thời gian mà còn sức khỏe.

“Mình thà chui rào qua đường chứ đi cầu đi bộ vừa nắng, vừa phải leo cầu thang, vừa mệt vừa mất sức. Cầu đi bộ mà có mái che với gần trường thì đỡ bao nhiêu”, Hoàng nói.

Mặc dù có mái che, các cầu vượt bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng lại trong cảnh xuống cấp và tình trạng vệ sinh kém.

nguoi di cau vuot bo hanh anh 5

Chăn nệm của người vô gia cư bị bỏ lại, lá cây rải rác trên mặt cầu vượt số 4 Phạm Văn Đồng. Ảnh: Linh Thùy.

Tại các cầu bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng, nhiều bóng đèn vỡ, dây điện đứt treo lủng lẳng khiến người đi bộ e ngại khi di chuyển. Cầu thang cũng như mặt cầu hầu như không được quét dọn. Rác, lá cây, chăn nệm nằm rải rác trên cầu. Nước đọng lâu ngày.

“Tuổi tác không cho phép là một phần, phần nữa là đèn đóm dây điện thế này, sao tôi dám đi cầu đi bộ!”, ông Khánh (TP Thủ Đức) vừa nói vừa chỉ vào dãy bóng đèn đứt dây trên đầu.

nguoi di cau vuot bo hanh anh 6

Dây điện đứt treo lủng lẳng tại cầu vượt bộ hành số 5 đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Linh Thùy.

Ngọc An - Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm