Khi Sở Giao thông - Vận tại TP.HCM nói rằng nhận được một số phản ánh trên báo và Facebook về tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt, nhiều người không thấy bất ngờ.
Trao đổi với Zing, các nạn nhân nói rằng vụ việc này từng xuất hiện từ nhiều năm trước trên địa bàn thành phố, kể cả trước và sau khi camera được lắp trên xe buýt.
Nhiều lần bị quấy rối
Năm 2015, N.P. thường xuyên di chuyển bằng xe buýt số 36 (Bến Thành - Thới An) để đi học ở quận 1 từ quận 12.
Đó là một quãng đường xa, do đó P. thường chọn góc ghế trong cùng ở dãy cuối xe là vị trí lý tưởng để tranh thủ chợp mắt, ít bị ai đi qua lại làm phiền.
“Hôm ấy, lúc xe chạy tới gần quận 1, tôi giật mình tỉnh giấc và thấy một bàn tay đang sờ đùi gần chỗ nhạy cảm của tôi, từ lúc nào không hay. Người này là ông già có tóc bạc, khoảng 50-60 tuổi, đang ngồi sát tôi trong khi hàng ghế chỉ có tôi và ông ấy, nhiều ghế trước còn trống”, N.P. hồi tưởng.
Chàng trai khi đó 16 tuổi đã run rẩy một lúc rồi đứng dậy bấm chuông xuống xe luôn dù chưa đến điểm dừng của mình. “Tôi đã nổi da gà giữa cái nắng Sài Gòn, thật ghê ”, P. kể lại.
Thời điểm ấy xe buýt ở TP.HCM chưa được lắp camera.
Xe buýt tuyến số 36 có điểm đầu và cuối là Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn (công viên 23/9, quận 1) và Bãi xe buýt Thới An (quận 12), cự ly 19,35 km. Ảnh: Lê Quân. |
Năm 2019, N.P. lại bị quấy rối trên xe buýt tuyến số 36. Khi đó anh đi học từ quận 1 về, trên xe người đông hơi chen nhau.
“Một người đàn ông khá trẻ, ngồi đó dùng tay cạ cạ vào bộ phận sinh dục trước mặt nhiều hành khách, may mà hắn chưa cởi quần. Nhưng không một ai phản ứng gì”, anh mô tả.
Cậu thanh niên 20 tuổi lúc này không còn sợ như vụ việc 4 năm trước. Nhưng mỗi khi nhớ hay nhắc lại cảnh tượng đó, P. rất khó chịu cho đến tận bây giờ. Ngoài ra, anh còn vài lần bị người khác dùng tay sờ soạng, chọc tay vào cơ thể.
“Tôi mặc đồng phục học sinh, khoác áo trùm mũ, đeo khẩu trang và thường gục mặt vào balo để ngủ, hoàn toàn không ‘khoe’ ngoại hình hay gây chú ý. Có thể đây là ‘con mồi’ thường thu hút những kẻ biến thái”, P. nói.
Sau này, kể cả khi xe buýt được lắp camera, tình trạng quấy rối vẫn xảy ra với P. và nạn nhân khác. Anh P. cho rằng trên xe còn những góc khuất camera như các dãy ghế cuối vì bị thành ghế trước che mất, hoặc lúc đông người thì khó có thể bao quát.
Tháng 11/2018, 26 xe buýt tuyến số 53 (Trung tâm thành phố - Đại học Quốc gia TP.HCM) được lắp 3-4 camera/xe và loa cảnh báo để phòng ngừa, ngăn chặn quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em. Ảnh: An Huy. |
Không dám lên tiếng
Năm 2016, chị Mai Liên (28 tuổi, quận Tân Bình) từng bị quấy rối trên xe buýt số 4 (Bến Thành - Cộng Hòa - An Sương).
Cô gái 24 tuổi lúc đó lên xe từ nhà chờ xe trên đường Hàm Nghi (quận 1). Chị ngồi ghế ngay sau buồng lái tài xế, nơi có thể nhìn thấy mình trong gương ở đầu xe.
Một người đàn ông đứng tuổi lên sau, khi xe chạy rồi vẫn đi qua lại trên xe một lúc rồi ngồi xuống cạnh Liên trên băng ghế 2 chỗ. Lúc này, chị cảnh giác ngay lập tức, vì cả xe còn trống nhiều chỗ.
Liên cố nép sát về phía cửa sổ để tạo khoảng trống giữa 2 người. Người đàn ông đã khoanh tay trước ngực, che khuất một bàn tay đang thò ra tiến sang phía chị. Mỗi lần tài xế phanh xe, xe lắc theo quán tính, mấy ngón tay lại chọc vào mạn sườn chị này.
Cô gái trẻ lúc ấy tự suy diễn rằng chắc người ta vô tình chạm phải. Sau khoảng 5-6 lần, cú chạm giống như sờ soạng. Chị đã quay sang nhìn chằm chằm vào người đàn ông, có vẻ ông ta chột dạ, đứng lên giả vờ hỏi tài xế vài câu rồi tìm chỗ khác ngồi.
“Sai lầm của tôi là đã không lên tiếng. Hắn ta lại ngồi sát một cô gái trẻ khác. Tôi chứng kiến bạn này liên tục cựa quậy, mặt tỏ vẻ khó chịu và sợ hãi. Và tôi vẫn im lặng, tôi sợ lúc xuống xe hắn sẽ đi theo làm hại”, Mai Liên chia sẻ.
Thái Lan từng tổ chức chiến dịch vận động giữ an toàn cho phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng, nhằm khiến công chúng lên tiếng mỗi khi thấy trường hợp quấy rối. Ảnh: Theung Wela Pheuk Campaign. |
Còn Trang (26 tuổi) có thời sinh viên lưu trú 4 năm ở làng đại học Thủ Đức, từng nhiều lần chứng kiến người khác bị quấy rối và kẻ biến thái trên xe buýt.
“Nếu như tài xế hay phụ xe không phát hiện ra và xử lý, thì chẳng ai dám lên tiếng, cứ 10 lần thì may ra được 1-2 lần có người hét lên cảnh cáo hoặc phản kháng. Tôi chọn cách ‘nhắm mắt’, vì sợ bị trả thù”, Trang cho hay.
Còn chàng trai N.P. dù ngoại hình đã trưởng thành, anh vẫn “không đủ dũng khí” để phản xạ tự vệ như hét lên báo động hoặc dùng vũ lực.
“Hơn nữa, tôi cảm thấy xấu hổ. Khi ấy tưởng chỉ có nữ bị quấy rối, ai ngờ một nam thanh niên cũng bị. Tôi không dám đánh động đám đông vì sợ mọi người cười vào mặt”, P. nói.
Khó xử lý tại trận
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nói rằng hành khách còn e ngại, rụt rè trong tố giác tội phạm.
Người dân có thể liên hệ Tổng đài 1022 (nhánh số 9) hoặc số điện thoại 0981.960.202 để trình báo khi gặp vấn đề về an ninh như bị quấy rối, móc túi trên xe buýt.
“Khi có người phản ánh, trung tâm điều hành sẽ theo dõi qua camera và trình báo cho công an. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sẽ không thể ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Họ sẽ lưu lại hình ảnh từ camera, nếu tình trạng đó có tính chất lặp lại thì sẽ tổ chức điều tra và xử lý”, tổng đài viên 1022 cho biết.
Tổng đài viên cũng khuyến cáo hành khách nếu thấy trường hợp quấy rối trên xe buýt hãy cố gắng ghi hình rồi phản ánh tại ứng dụng thông tin điện tử xe buýt TP.HCM (http://buyttphcm.com.vn), đăng lên mạng xã hội để người khác cảnh giác.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã xây dựng quy chế phối hợp với Công an TP.HCM để xử lý vấn đề mất an ninh. Tài xế, tiếp viên cũng được tập huấn nghiệp vụ xử lý trong trường hợp có hành khách phản ánh.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.