Thay mặt UBND TP, ông Trương Văn Lắm - ủy viên UBND TP.HCM, giám đốc Sở Nội vụ TP trình bày chi tiết dự thảo đề án để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan trung ương.
Ông Lắm cho biết chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp (hiện tại là ba cấp) bao gồm cấp TP trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Theo kiểu tổ chức này, cấp cơ sở được xác định bao gồm cấp xã - thị trấn và bốn thành phố thuộc TP.HCM. Riêng 13 quận nội thành hiện hữu chỉ có một cấp chính quyền (cấp TP.HCM).
Như vậy, theo dự thảo đề án, ở cấp TP.HCM và cấp cơ sở gồm bốn TP (nhỏ) thuộc TP.HCM, các xã - thị trấn có đầy đủ HĐND và UBND được bầu theo qui định của pháp luật. Đối với các đơn vị hành chính hiện hành, ở 24 quận - huyện, 259 phường không tổ chức thành một cấp chính quyền, mà tại những nơi này chỉ có cơ quan đại diện hành chính (hiện tại gọi là UBND) của chính quyền cấp trên hoặc chính quyền cơ sở.
Mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp. Phát biểu kết thúc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải nhấn mạnh nội dung cốt lõi của đề án là giải quyết vấn đề phân cấp, cụ thể là Trung ương phân cấp cho TP.HCM những gì. Trong khi đó, theo nội dung đề án, phía TP.HCM kiến nghị Trung ương phân cấp cho TP bốn nội dung, trong đó kiến nghị phân cấp thẩm quyền về tài chính công, bộ máy tổ chức và nhân sự…
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều đồng tình với chủ trương cần thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Các ý kiến ủng hộ cũng cho rằng TP.HCM cần được trao những cơ chế đặc thù để vận hành chính quyền đô thị hiệu quả.
Bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải phát biểu tại hội nghị sáng 18/9. |
Theo ông Quân, sau hơn 25 năm thực hiện “đổi mới” và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã phát triển rất nhanh, dẫn đến có nhiều sự khác biệt về quản lý xã hội ở địa bàn đô thị và nông thôn, đòi hỏi bộ máy và phương thức quản lý của chính quyền địa phương phải có sự thay đổi để thích ứng với yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của đô thị.