Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiến pháp nên mở đường cho việc lập ‘thành phố nhỏ'

Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM vừa công bố có nét tương tự tổ chức chính quyền địa phương của nước Pháp.

Đó là một trong những đề xuất được đưa ra tại hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, do Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 19/8.

Theo ông Nguyễn Đức Lam, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu của trung tâm, trong nội dung phân định đơn vị hành chính của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nên có “quy định mở” để luật về chính quyền địa phương có thể quy định thêm các đơn vị hành chính mới như đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo, đơn vị hành chính có tính chất vùng miền, hay “thành phố nhỏ” trong các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.

Bầu trực tiếp chủ tịch cấp huyện, cấp xã

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM vừa công bố có nét tương tự tổ chức chính quyền địa phương của nước Pháp, nghĩa là các quận nội thành (không tính bốn thành phố nhỏ khác trong TP.HCM) có cơ quan đại diện hành chính của chính quyền thành phố, và chủ tịch cơ quan này do chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm.

Ông Đinh Xuân Thảo phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý người đứng đầu một cấp hành chính có thể do trên cử xuống hoặc ở dưới bầu lên, phương án trên cử xuống sẽ tạo sự thông suốt, nhanh chóng về mặt hành chính khi thực thi chính sách của cấp trên, tuy nhiên đó là “thông suốt cho cấp trên chứ chưa chắc đã phản ánh được ưu tiên của người dân”.

Ông Dũng nêu ví dụ ở Hà Nội, cũng là các quận nội thành nhưng người dân ở quận Hoàn Kiếm có thể muốn ưu tiên bảo tồn phố cổ, người dân quận Thanh Xuân lại muốn ưu tiên xây trường học. “Nếu thông qua bầu cử thì chúng ta sẽ biết rõ hơn ưu tiên của người dân”.

Về cách thức hình thành chức vụ chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, theo kết quả điều tra xã hội học (khảo sát được thực hiện với 800 người bao gồm đại biểu HĐND, thành viên UBND, cán bộ, công chức và người dân tại năm địa phương: Lào Cai, Nam Định, TP.HCM, Ninh Thuận và Vĩnh Long) do nhóm chuyên gia thực hiện, phần lớn ý kiến được hỏi cho rằng người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã và cấp huyện nên do dân bầu trực tiếp thay vì cấp trên bổ nhiệm hoặc là HĐND cùng cấp bầu. Đối với người đứng đầu UBND cấp tỉnh, 44,6% ý kiến đề nghị để HĐND cùng cấp bầu, 41,2% đề nghị dân bầu trực tiếp, 13,6% đề nghị cấp trên bổ nhiệm.

Ba hình thức tổ chức chính quyền địa phương

Tại hội thảo, ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết dự kiến tại kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tuy nhiên hiện còn hai vấn đề nổi lên vì có nhiều ý kiến khác nhau là hội đồng hiến pháp và chính quyền địa phương.

Hiện trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như đề xuất của Bộ Nội vụ, của TP.HCM cũng như của các chuyên gia thì có rất nhiều phương án khác nhau về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Dự kiến ngày 28/8, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức một hội nghị lớn ở TP.HCM để đi đến “chốt” phương án trình trung ương, sau đó trình Quốc hội.

Ông Thảo cho biết vừa được tiếp cận ý tưởng mới nhất của một số vị lãnh đạo cấp cao, theo đó trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương, về đơn vị hành chính lãnh thổ vẫn giữ ba cấp (bao gồm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cấp quận, huyện và cấp xã, phường), nhưng về đơn vị quản lý (tổ chức chính quyền) sẽ có ba loại.

Thứ nhất là loại có chính quyền đầy đủ ở ba cấp (gồm cả HĐND và UBND). Thứ hai, có nơi chỉ có chính quyền đầy đủ ở hai cấp (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp bên dưới). Thứ ba, chỉ có một cấp chính quyền đầy đủ (được áp dụng cho những địa bàn đặc biệt, ví dụ như đặc khu hành chính - kinh tế).

Ông Thảo nói Chính phủ nên sớm tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường để làm căn cứ cho việc đưa ra phương án mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

“Vấn đề không đơn giản”

Ông Đinh Xuân Thảo nói: “Cơ bản nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng ý rằng đã gọi là chính quyền thì phải có hai thành tố UBND và HĐND, ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND. Nhưng dừng lại như vậy chưa đủ, bên cạnh khái niệm chính quyền thì ở ta còn khái niệm hệ thống chính trị. Trong hệ thống chính trị có Đảng lãnh đạo, có chính quyền, có mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên. Như vậy dù có đổi mới gì cũng phải nhìn toàn diện cả hệ thống. Nếu bàn không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì ở đó có cấp ủy, mặt trận tổ quốc hay không? Đây là vấn đề không đơn giản”.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm