Theo ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, sau 25 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Quản lý đô thị và các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội ở đô thị rất khác nông thôn, nhưng cách thức quản lý, điều hành của chính quyền của đô thị tại Việt Nam lại vẫn cơ bản giống nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. |
Điều này, theo ông Thăng, khiến nhiều vấn đề cấp thiết tại đô thị như quy hoạch, chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… chậm được xử lý.
Không chọn mô hình thị trưởng
Cho biết tháng 4/2013 Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, ông Nguyễn Duy Thăng chính thức thông báo Bộ Chính trị đã thống nhất chọn phương án một, theo đó, sẽ không chọn mô hình thị trưởng cho chính quyền đô thị (trước mắt sẽ thí điểm ở TP.HCM và Đà Nẵng).
Mô hình thị trưởng với dân bầu cả thị trưởng và Hội đồng nhân dân (HĐND), trong đó HĐND có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm với thị trưởng, thị trường có quyền giải tán HĐND nếu phiếu bất tín nhiệm không đạt 50%, theo ông Thăng, chưa phù hợp với Việt Nam. Phương án được chọn sẽ cho phép chính quyền địa phương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên cả nước.
Về mô hình chính quyền đô thị, phương án đã được Bộ Chính trị cho ý kiến sẽ cho phép chính quyền thành phố trực thuộc trung ương (khu vực nội thành) chỉ tổ chức HĐND ở cấp thành phố. Với chính quyền đô thị thành phố trực thuộc tỉnh, tại khu vực nội thành chỉ tổ chức HĐND TP (phường không tổ chức HĐND).
Ngoài ra, sẽ phân cấp rõ ràng, minh bạch nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp hành chính. Sẽ làm rõ vấn đề nào cần đưa ra bàn, quyết định tập thể của UBND và vấn đề nào Chủ tịch UBND sẽ quyết nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Thăng cũng cho biết sẽ xác định rõ UBND cấp huyện, quận, phường chỉ là cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên đặc tại địa bàn.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu mô hình của TP.HCM và những kiến nghị cụ thể, trong đó đề nghị sẽ lập 4 thành phố trực thuộc TP.HCM (tương tự thành phố thuộc các tỉnh khác) để mở rộng đô thị trung tâm, hình thành các khu đô thị mới khang trang, phục vụ giãn dân, gắn kết khu dân cư với các khu công nghiệp góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh…
Người dân được lợi gì?
Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nêu rõ với chính quyền đô thị, người dân sẽ được lợi. Chính quyền đô thị sẽ khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân, tăng tự chủ mỗi cấp chính quyền. Mô hình đô thị tốt sẽ giúp chính quyền sát dân, thấu hiểu lo toan, trăn trở của các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế có thể tiếp cận tốt hơn các dịch vụ giáo dục, y tế…
PGS.TS. Nguyễn Minh Phương cũng công nhận chính quyền đô thị sẽ giúp người dân được nhiều tiện ích hơn. Như cách giải quyết chậm của chính quyền nông thôn là không phù hợp với nhịp độ cuộc sống đô thị. Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Phương, để mô hình chính quyền đô thị thành công, cần tổ chức lại HĐND ở các cấp tỉnh, thành phố. Như cần thêm hai ban là Ban Đô thị và Ban Dân nguyện. Bên cạnh đó, cần hạn chế đại biểu HĐND là cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ngoài ra, cần tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách lên 30% tổng số đại biểu, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh mỗi năm một lần hoặc đột xuất…