Ngày 9/10, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM (TNMT), Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP đã tổ chức buổi họp báo liên quan đến hiện tượng mù quang hóa và chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thời gian gần đây.
Tại họp báo, đại diện Sở TNMT thừa nhận khiếm khuyết của hệ thống quan trắc không khí hiện tại và hứa hẹn sẽ hoàn chỉnh 18 trạm quan trắc cố định và 1 trạm quan trắc di động từ nay đến năm 2030.
Cố gắng rút ngắn thời gian công bố xuống 15 ngày
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, nhận định hiện tượng mù quang hóa khiến TP.HCM chìm trong mây mù, ô nhiễm những ngày qua nằm ngoài dự kiến của trung tâm.
"Theo ghi nhận và theo dõi của chúng tôi, mù quang hóa xuất hiện từ năm 2015 đến nay vào những giai đoạn chuyển mùa, cụ thể là từ tháng 10 đến tháng 11. Tuy nhiên, năm nay hiện tượng này xuất hiện sớm vào tháng 9 khiến việc cảnh báo chưa kịp thời", Giám đốc Trung tâm Quan trắc thừa nhận.
Ô nhiễm không khí khiến người dân TP.HCM khó chịu, mệt mỏi khi đi ra đường. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trả lời câu hỏi của Zing.vn tại buổi họp báo về mục đích của việc công bố chỉ số quan trắc không khí chậm 1 tháng, giám đốc trung tâm quan trắc thừa nhận đó là khiếm khuyết của phương pháp quan trắc thủ công gián đoạn đang áp dụng.
"Phương pháp hiện tại đang áp dụng cần nhiều thời gian để phân tích mẫu xét nghiệm, sau đó còn truyền tải thông tin cho đơn vị chủ quản các bảng quang báo nên khó rút ngắn thời gian. Ngay bây giờ chúng tôi sẽ cố gắng mọi cách rút ngắn xuống còn 15 ngày thay vì 1 tháng", ông Sơn chia sẻ với Zing.vn sau họp báo.
Bảng thông tin chất lượng không khí luôn hiện kết quả của tháng trước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Sơn cho biết hiện Sở TNMT đang hoàn thiện đề án xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án dự kiến năm 2020 TP.HCM sẽ có 9 trạm quan trắc tự động. Đến năm 2030 sẽ hoàn chỉnh 18 trạm cố định, 1 trạm di động.
Về chất lượng không khí trong thời gian tới, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong tháng 10, chất lượng không khí sẽ được cải thiện đáng kể so với thời gian trước đó. Tuy nhiên, ông dự báo chất lượng không khí của TP vẫn sẽ tiếp tục xấu đi theo thời gian.
Nghi ngờ sai số trong dữ liệu của Air Visual
"Theo tôi nhận định thì Air Visual đưa ra chỉ số ô nhiễm bằng phương pháp cảm biến (censor). Phương pháp này sẽ có sai số khá nhiều khi thời tiết xấu, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng không thuận lợi", ông Cao Tung Sơn thông tin.
Ông Sơn cũng cho biết sau quá trình tìm hiểu, ông chưa thấy đơn vị này công bố cách vận hành, thông số của các thiết bị quan trắc. Ông chia sẻ thêm để công bố những chỉ số trên, các đơn vị thực hiện cần tuân thủ những quy định, quy chuẩn của Bộ Tài nguyên Môi trường, bên cạnh đó, trang thiết bị cũng cần được kiểm định, hiệu chỉnh định kỳ.
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng Air Visual chưa đủ căn cứ để đánh giá độ tin tưởng. Ảnh: Sơn Hà. |
"Do Air Visual của đơn vị nước ngoài, hành lang pháp lý chưa đủ để áp dụng đối với họ nên mức độ tin cậy của ứng dụng này còn là dấu hỏi", giám đốc Sơn chia sẻ.
Ông Sơn cũng khẳng định phương pháp quan trắc của trung tâm dựa trên yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên Môi trường nên hoàn toàn đáng tin cậy.
Về thông tin Tổng cục môi trường đang xây dựng ứng dụng để công bố số liệu quan trắc cho người dân, ông Sơn cho biết đang làm việc với Trung tâm Quan trắc miền Bắc để thực hiện triển khai, tiếp nhận phần mềm kết nối truyền dữ liệu.
“Hiện chúng tôi cũng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi sẽ thông báo với báo đài khi có thông tin mới”, ông Sơn hứa hẹn.