Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM sau hơn một tuần thu phí sử dụng vỉa hè

Sau hơn một tuần thí điểm thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè trên 11 tuyến đường trung tâm TP.HCM đạt hiệu quả, TP.HCM triển khai kế hoạch mở rộng địa bàn kinh doanh vỉa hè.

TP.HCM thu phi via he anh 1

Vỉa hè đường Lê Thánh Tôn. Ảnh: HH.

Ngăn nắp, trật tự

Chiều 17/5, phóng viên Tiền Phong ghi nhận việc sử dụng vỉa hè sau hơn một tuần áp dụng thí điểm thu phí sử dụng tạm thời trên 11 tuyến đường ở quận 1, TP.HCM. Các cửa hàng kinh doanh được tổ chức ngăn nắp, trật tự; người dân và du khách có thể đi bộ dễ dàng trên phần vỉa hè được quy định.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (quản lý quán phở trên đường Hải Triều) cho biết, với 8m2 được đăng ký sử dụng tạm thời đã giúp quán có thêm không gian để bàn ghế làm nơi nhận đặt hàng. Đặc thù của quán là có nhiều khách nước ngoài nên việc được sử dụng một phần vỉa hè hoàn toàn hợp lý với quán.

“Sau khi có quy định mới, vỉa hè đã được kẻ vạch vàng để đậu xe máy, phần kinh doanh được kẻ vạch trắng cụ thể. Chính nhờ được quy định rõ ràng mà vỉa hè đã ngăn nắp, không còn cảnh mạnh ai nấy kê bàn ghế ra ngoài, kinh doanh lộn xộn như trước kia. Người đi bộ đi lại thuận lợi hơn”- chị Ngân nói.

Tương tự, trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1), chính quyền địa phương đã kẻ vạch màu vàng để quy định nơi trông, giữ xe máy miễn phí. Một phần vỉa hè còn lại được kẻ vạch trắng để các hộ kinh doanh sử dụng và phải đóng phí, không gian ở giữa được dành riêng cho người đi bộ.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, việc thu phí sẽ được thực hiện qua phần mềm Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1. “Khi sử dụng ứng dụng và theo dõi bản đồ số, người dân có thể biết chính xác hiện trạng vỉa hè cụ thể ở một số nhà trên một tuyến đường nhất định. Việc đăng ký, thanh toán phí và sử dụng sẽ được số hóa trên bản đồ số, hoàn toàn công khai, minh bạch”- ông Vinh cho biết.

Ông Lê Văn Khôi (chủ quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo), cho biết, từ khi có chủ trương, cán bộ phường đã xuống phát giấy tờ để các hộ kinh doanh điền thông tin đăng ký nhu cầu sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí. “Sau khi đăng ký, đóng phí và sử dụng một phần vỉa hè, tôi cảm thấy an tâm hơn. Tôi kinh doanh nước giải khát, phải kê thêm bàn ghế ra vỉa hè cho khách ngồi uống nước. Trước đây vừa làm vừa sợ bị kiểm tra, giờ thì có thể yên tâm kê thêm bàn ghế cho khách ngồi ở ngoài mà vẫn đảm bảo không gian cho người đi bộ”- ông Khôi chia sẻ.

Trước đó, ngày 9/5, UBND quận 1 (TP.HCM), áp dụng thí điểm đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hoá trên địa bàn quận trong thời gian từ ngày 9/5 đến 30/9. Các tuyến đường này đều đảm bảo điều kiện rộng ít nhất 3m, trong đó có 1,5m dành cho người đi bộ. Quận 1 thí điểm mức thu 10/11 tuyến đường có giá thuê là 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng).

TP.HCM thu phi via he anh 2

Vỉa hè đường Hải Triều (quận 1, TP.HCM) gọn gàng, ngăn nắp sau khi thí điểm thu phí. Ảnh: HH.

Mở rộng thu phí vỉa hè

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc UBND quận 1 thí điểm trước với 11 tuyến đường có ý nghĩa thúc đẩy tiến độ thu phí vỉa hè, lòng đường ở các địa phương còn lại trên địa bàn thành phố. Hiện nay, ngoài quận 1, các địa phương khác đã rà soát danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông. Trong đó, quận 10 có 28 tuyến đường có vỉa hè, đoạn vỉa hè rộng từ 3m trở lên đủ điều kiện sử dụng tạm thời để tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa. Hiện nay, người dân đã đăng ký sử dụng vỉa hè tại một số tuyến, như đường Ba Tháng Hai…

Quận 12 xác định 15 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên, bảo đảm điều kiện sử dụng tạm có thu phí. Quận 5 có 66 tuyến đường kinh doanh, buôn bán có thu phí; 4 chợ truyền thống sử dụng lòng đường, vỉa hè...

Trước đó, mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, các địa phương phải mất nhiều thời gian cho công tác rà soát, tổng hợp và xây dựng danh mục các tuyến đường đủ điều kiện theo quy định. Sở GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương sớm hoàn thành, gửi danh mục các tuyến đường có vỉa hè dự kiến thu phí về Sở. Sau khi có ý kiến từ Sở GTVT, các địa phương sẽ phải lấy ý kiến của người dân và các đơn vị có liên quan trước khi thực hiện thu phí.

TP.HCM lý giải nguyên nhân khu vực chợ Thủ Đức ngập sâu sau mưa lớn

Theo lý giải khu vực xung quanh chợ Thủ Đức là vùng trũng, chênh lệch giữa ngã tư Thủ Đức và chợ Thủ Đức khoảng 20 m.

Ông Lê Thanh Hải bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Trung ương quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Nhà dân, hẻm nhỏ ở TP.HCM ngập suốt 5 giờ

Nhà cửa bị nước tràn vào, cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm người dân trong các con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị đảo lộn sau trận mưa chiều 15/5.

Sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

https://tienphong.vn/tphcm-sau-hon-1-tuan-thu-phi-su-dung-via-he-post1638120.tpo

Hữu Huy - Vân Sơn - Nhàn Lê/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm