Ngày 7/1, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Khởi công xây lại các chung cư cũ trước năm 1975 trên địa bàn và xây nhà ở xã hội cho công nhân là 2 trọng tâm mà đơn vị hướng đến trong năm nay.
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, nhận định 2021 là một năm khó khăn về kinh tế khi thành phố trải qua đợt dịch khốc liệt. Nhìn nhận kết quả ngành xây dựng đạt được, ông Bình đánh giá đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, thần tốc triển khai, đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến trong năm qua.
Lãnh đạo thành phố đề nghị Sở tiếp tục đồng hành cùng người lao động, doanh nghiệp. Ông chỉ đạo Sở Xây dựng sớm hoàn thiện chương trình phát triển xây dựng nhà ở, trình UBND TP.HCM phê duyệt; thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng mới; đẩy nhanh tiến độ di dời nhà ở nguy hiểm cấp D; khởi công, xây mới chung cư cũ
“Phải phấn đấu khởi công 14 chung cư cấp D trong năm 2022, làm việc có trọng tâm, trọng điểm”, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết từ năm 2021 đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn tất di dời 333 hộ dân tại 6 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn; tháo dỡ 4 chung cư với quy mô hơn 14.000 m2 và thực hiện rà soát hơn 560.000 phòng trọ.
Người dân ở các chung cư nguy hiểm mong có phương án bồi thường hợp lý để có thể an tâm rời đi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ của Thành ủy TP.HCM đưa ra từ năm 2016 đến nay. Theo mục tiêu đề ra thì đến năm 2020 TP.HCM sẽ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 chung cư (chiếm 50%) trong số 474 chung cư có trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng nhưng hiện mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới.
Nguyên nhân việc chung cư cũ chậm được xây mới là vướng một số khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng như: Đối với chung cư không phải cấp D phải có sự đồng thuận 100% hộ dân; còn ít cơ chế ưu đãi nhà đầu tư; chưa phân cấp phân quyền nhiều cho quận, huyện trong việc đầu tư, xây mới chung cư cũ...
Hồi tháng 10/2021, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại. Sở phải yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện; trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao lại Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, không để lãng phí quỹ đất.
Theo thống kê kết quả thực hiện của Sở Xây dựng, năm 2021, nhiều tuyến đường ngập úng trên địa bàn được giải quyết như: Lê Đức Thọ, Bạch Đằng, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A. Các tuyến đường ngập do triều cường cũng được cải thiện như Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Quốc lộ 50…