Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

TP.HCM muốn thêm thời gian thí điểm cơ chế đặc thù

Cùng với đề xuất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù với TP.HCM, địa phương này đã xây dựng dự thảo nghị quyết mới với cơ chế toàn diện hơn, để thu hút nhiều nguồn lực hơn.

Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo báo cáo gửi đến phiên họp, Chính phủ đề nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thêm một năm, đến hết ngày 31/12/2023.

Kéo dài Nghị quyết 54 là cần thiết

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) cho rằng nếu tại kỳ họp thứ 4 Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm, thì phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 là cần thiết.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai lưu ý việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn.

Mục tiêu không phải đặc thù để đặc thù, mà để thấy cơ chế, chính sách nào tốt thì nhân rộng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lưu ý báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù với TP.HCM, cũng chưa dự báo được hiệu quả mang lại nếu kéo dài.

“Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/ 2023. Như vậy chỉ có thêm một năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện”, theo bà Mai.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra đồng ý với đề nghị của Chính phủ và thống nhất đưa nội dụng này vào nghị quyết của kỳ họp 4.

co che dac thu TP.HCM anh 1

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng trong khi Chính phủ chưa đề xuất các cơ chế, chính sách mới thì việc đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 là phù hợp để TP.HCM khai thác các chính sách cần thiết để phát triển.

Ông Thanh đề nghị TP.HCM quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách mới, đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nghị quyết của Quốc hội về thí điểm là rất cần thiết và quá trình thực hiện chứng minh nhiều cơ chế, chính sách phát huy công năng, hỗ trợ lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

“Mục tiêu không phải đặc thù để đặc thù, mà để thấy cơ chế, chính sách nào tốt thì nhân rộng ra”, ông Huệ dẫn chứng một số cơ chế, chính sách áp dụng hiệu quả ở TP.HCM đã được Quốc hội cho phép thực hiện với một số địa phương khác.

Muốn làm nhiều nhưng “vướng”

Đại diện cho lãnh đạo TP.HCM giải trình, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ nhiều nguyên nhân của việc đề nghị kéo dài Nghị quyết 54.

Về phía TP.HCM, ông Hoan cho biết có những việc TP rất muốn làm, nhưng phải cân nhắc vì mới, khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó không mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều.

Đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nếu không huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao tầm cỡ, chắc chắn Nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Thậm chí có những nội dung đã quy định trong nghị quyết về cơ chế đặc thù, song theo ông Hoan, việc thực hiện không đơn giản. Ví dụ vấn đề liên quan đến cổ phần hóa. Lãnh đạo TP.HCM thừa nhận địa phương chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng theo ông, để có phương án cổ phần hóa phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất, nên không làm ngay được. Trong khi đó, tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn chưa sắp xếp nên không có cơ hội để TP.HCM triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 54.

Ông Hoan thông tin việc TP.HCM đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn, để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ Nhà nước. Ví dụ, dự thảo nghị quyết mới mở ra cơ chế huy động nguồn lực bên ngoài của tư nhân.

co che dac thu TP.HCM anh 2

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Quốc hội.

Nêu những ràng buộc từ Luật PPP khi không cho lĩnh vực thể thao, văn hóa được xã hội hóa, ông Hoan cho rằng điều này rất khó cho TP trong thực hiện.

“Ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nếu không huy động nguồn lực để đầu tư các cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao tầm cỡ, chắc chắn Nhà nước sẽ không có nguồn lực để thực hiện”, ông Hoan nói và nhấn mạnh TP.HCM mong muốn Quốc hội gỡ vướng trong hai lĩnh vực này.

Hoặc trong Luật Đầu tư, các khu đô thị lớn, hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ chung như trường học, bệnh viện, công viên... phần lớn đều giao lại cho Nhà nước, nhưng Nhà nước không có tiền để làm, trong khi các chủ đầu tư muốn làm thì vướng luật.

Vì thế, dự thảo nghị quyết mới kiến nghị để các chủ đầu tư bỏ vốn triển khai thực hiện dự án, trước hết là phục vụ cho họ, sau đó là phục vụ cho cộng đồng dân cư của thành phố.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Kiến nghị Quốc hội cho TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù thêm một năm

Dựa trên kết quả thí điểm cơ chế đặc thù năm 2018-2022, Chính phủ đề nghị cho TP.HCM tiếp tục cơ chế này đến hết năm 2023 thay vì chấm dứt vào cuối năm 2022.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm