Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP.HCM sáng 27/7, câu chuyện về tổ chức bộ máy và số lượng biên chế công chức, viên chức tại thành phố tiếp tục được đặt ra. Trước đó, Bộ Nội vụ có ý kiến về việc TP.HCM dôi dư nhiều biên chế.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù trong tăng biên chế
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, việc trả lương cho số công chức, viên chức dôi dư ở TP.HCM không sử dụng ngân sách Trung ương mà từ nguồn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, cần xem lại quy định về việc này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng cho nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP HCM về biên chế công chức, viên chức.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị gỡ vướng về bộ máy biên chế cho địa phương. Ảnh: Nhật Bắc. |
Đề xuất gỡ vướng về bộ máy cho một địa phương được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nên quy định khung số lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở các cấp.
TP.HCM kiến nghị Trung ương cho chủ trương HĐND, UBND TP.HCM được quyết định số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu, khối lượng công việc thực tế phát sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nghiên cứu tăng biên chế cho TP.HCM. Ảnh: Nhật Bắc. |
Chia sẻ với cái khó của thành phố, Thủ tướng cũng nhìn nhận "một phường của TP.HCM có khi bằng một huyện của các tỉnh khác", vì vậy, cần nghiên cứu cơ chế về bộ máy cho thành phố theo hướng đặc thù. "Hoặc tăng lương cho công chức, viên chức, hoặc nghiên cứu tăng biên chế cho TP.HCM", theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Hiện một công chức ở TP.HCM phục vụ bình quân 346 người. Tỷ lệ này cao hơn gấp hai lần so với cả nước (152 người). Nhưng tại buổi làm việc với TP.HCM trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh "TP.HCM là địa phương duy nhất còn tình trạng dôi dư biên chế công chức, viên chức".
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân giải thích TP.HCM hiện có số công chức, viên chức vượt 5.700 người so với số lượng được trung ương giao. Tuy nhiên, lượng viên chức chênh lệch đều đang làm việc, không phải dôi dư.
Sớm xây vành đai 3, chuẩn bị hồ sơ tuyến vành đai 4
Gỡ vướng cho các dự án hạ tầng trọng điểm cũng là nội dung được tập trung đề cập trong cuộc họp này.
Cùng với đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị quyết triển khai và bố trí vốn cho dự án đường vành đai 3, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay thành phố đang chuẩn bị hồ sơ cho dự án vành đai 4 dài 199 km, đi qua 5 địa phương. "Giữa năm 2023, dự kiến dự án này được trình ra Quốc hội", theo ông Mãi.
Thủ tướng cho biết trong những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành ngay 2 nghị quyết để triển khai dự án; đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, nghiên cứu các thủ tục để triển khai dự án đường vành đai 4 trên tinh thần phân cấp, qua địa phương nào thì tỉnh đó phải làm.
Thủ tướng nghe báo cáo tiến độ metro số 1 tại công trường ga ngầm Bến Thành sáng 27/7. Ảnh: Quốc Anh. |
Cũng trong tuần này, Chính phủ ban hành ngay Nghị quyết về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối.
Ông giao Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách vay vốn ODA "thế hệ mới" để thực hiện ngay tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, theo định hướng vay vốn với lãi suất thấp, vay trong thời gian dài và không tính vào nợ Chính phủ.
Nhận định về tầm quan trọng của một địa phương là đầu tàu kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh Thường trực Chính phủ sẽ thường xuyên làm việc với TP.HCM, cố gắng mỗi quý một lần.
Thủ tướng cho biết sẽ lập một tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM là đầu mối trao đổi để giải quyết, xử lý các vấn đề của thành phố một cách kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng "thủ tục, văn bản lên xuống, lòng vòng" mà không giải quyết được công việc.