"Ngày này năm ngoái, TP.HCM phải gồng mình chống dịch, trong bối cảnh không có kỹ thuật chuyên môn, vất vả và cả hy sinh mất mát. TP.HCM cũng là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề lớn nhất cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu buổi làm việc với TP.HCM sáng 27/7.
Ông nhận định sau đại dịch, TP.HCM đã kiểm soát được tình hình và cho thấy nỗ lực phục hồi kinh tế, xã hội. Song, ông thẳng thắn chỉ ra khâu tổ chức thực hiện các dự án của địa phương còn rất yếu và chưa đem lại hiệu quả.
"Tổ chức thực hiện dự án là khâu yếu nhất, hay bị lơ là, hiệu quả chưa cao. Còn chủ trương đường lối vẫn xử lý được trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tại buổi làm việc sáng 27/7, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP.HCM và các đơn vị tập trung làm rõ những vấn đề ách tắc liên quan việc triển khai dự án vành đai 3 và nghị quyết của Quốc hội. Ông nhấn mạnh TP.HCM và các bộ, ngành phải đưa ra lộ trình, ngày tháng kết thúc cụ thể để giải quyết các ách tắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.HCM sáng 27/7. Ảnh: HCMC. |
"Muốn có thế hệ ODA mới - thủ tục không tính vào nợ Chính phủ, lãi suất thấp nhất, thời gian dài nhất... chúng ta cần làm nhanh thủ tục", lãnh đạo Chính phủ lưu ý.
Trên cơ sở cuộc họp, ông yêu cầu các đơn vị chọn giải quyết những vấn đề để hoàn thành ngay. "Nên đếm ngược lại công việc, ví dụ năm 2025 làm gì, 2024, 2023 phải làm gì, chỉ có kiểm soát như thế mới đảm bảo tiến độ. Cách tổ chức thực hiện phải đổi mới", ông nói.
Báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định tiến độ thực hiện vành đai 3 của TP.HCM và 3 địa phương đến nay rất thuận lợi.
Song, ông Mãi cho biết TP.HCM mong muốn Chính phủ sớm triển khai nghị quyết trong tháng 7 và bố trí vốn cho vành đai 3 để đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ metro số 1, triển khai metro 2 để kết nối TP.HCM - Cần Thơ. Ảnh: Chí Hùng. |
Còn dự án vành đai 4 đi qua 5 địa phương, dài 199 km, với số tiền liên quan giải phóng mặt bằng trên 10.000 tỷ đồng, TP.HCM kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để các địa phương và Bộ GTVT để xin Quốc hội chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2023 hoặc vào kỳ họp chuyên đề chuẩn bị, triển khai dự án.
Đề cập vướng mắc của dự án metro, ông Mãi cho biết hiện TP.HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án metro số 1, metro số 2. Bên cạnh đó, ông Mãi cho biết quá trình triển khai metro số 1 cũng gặp vướng mắc về vốn đối với điều kiện duy trì hoạt động công ty vận hành đường sắt.
"Trong bối cảnh tuyến metro 1 đã hoàn thành hơn 90%, công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ cần được quan tâm, sẵn sàng đội ngũ tiếp nhận dự án khi hoàn thành", ông Mãi kiến nghị.
Ga ngầm Bến Thành - tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Chí Hùng. |
Dự án metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức). Dự án gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, khởi công năm 2012 và hiện đạt 91% tổng khối lượng, dự kiến chạy thương mại cuối năm 2023.
Sau 9 đợt vận tải từ Nhật Bản, 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã cập cảng ở TP.HCM và được đưa về depot Long Bình (TP Thủ Đức) để chuẩn bị cho công tác vận hành thử nghiệm, trước khi đưa vào khai thác chính thức.