Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM nên chăng có luật đô thị đặc biệt?

2022 là năm cuối TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. TP.HCM đang xem xét đề xuất kéo dài thời gian thí điểm hoặc xây dựng Luật đô thị đặc biệt.

Đó là một trong nhiều vấn đề được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt ra trong bài phát biểu gần một giờ tại Hội nghị cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022 sáng 18/2.

Chủ tịch UBND TP ghi nhận nhiều kết quả và mô hình sáng tạo của các đơn vị, đồng thời chỉ ra nhiều hạn chế sau một năm CCHC.

Cán bộ còn e dè do e ngại trách nhiệm

Ông Phan Văn Mãi nhận định trước dịch, TP.HCM rất tự tin nằm trong top đầu của cả nước về chuyển đổi số trong thủ tục hành chính. Nhưng thực tế, khi dịch Covid-19 xảy ra, thành phố gặp rất nhiều khó khăn về mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu, khung pháp lý để vận hành thông suốt, rõ ràng.

"Dữ liệu có nhưng rời rạc, quy trình, quy chế phối hợp cũng khó. Đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, phối hợp giữa các cơ quan cũng nhiều khó khăn", ông nhận định.

Một hạn chế khác là tình trạng một số cơ quan, cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm hoặc năng lực hạn chế; hoặc e ngại trách nhiệm trước những sự việc đã diễn ra tại thành phố thời gian qua. Do đó, việc xử lý còn e dè, tiến độ chậm. Ông đề nghị cần giải quyết từ 2 phía - cả lãnh đạo và cán bộ, để cán bộ tích cực thực hiện chức trách.

cai cach hanh chinh TP.HCM anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hằng.

Nói về các nhiệm vụ trong năm 2022, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ tập trung vào đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM, cùng với đó là tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố.

Sau Nghị quyết 54, ông đưa ra 2 hướng thành phố đang nghiên cứu thời gian tới. Hướng thứ nhất là đề xuất Quốc hội tiếp tục gia hạn, bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54. Hướng thứ hai là nếu Hà Nội có Luật Thủ đô, TP.HCM cũng có thể xem xét đề xuất Luật đô thị đặc biệt; hay khung pháp lý cho một đô thị đặc biệt để có chiếc áo "vừa vặn hơn".

Chủ tịch TP.HCM nhận định tác động của cải cách hành chính tại TP.HCM vượt ra khỏi địa giới của một địa phương và ảnh hưởng ở tầm quốc gia. Với vai trò đó, thành phố càng phải tập trung thực hiện hiệu quả.

Dù đánh giá số hồ sơ giải quyết đúng hạn của TP.HCM ở mức cao, trên 99%, nhưng nếu nhìn vào con số sẽ thấy có tới trên 32.000 hồ sơ chậm. Nhận định đây là con số rất lớn, ông cho rằng nếu 32.000 hồ sơ này toàn việc lớn, tồn đọng lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội.

"Nói tỷ lệ giải quyết hồ sơ hơn 90% nhưng từ khi tôi về UBND thì có hồ sơ tồn tại hàng năm trời. Có người báo cáo là gửi hồ sơ lần thứ mấy chục. Cần phân tích rõ 34.000 hồ sơ này chậm ở đâu và có kế hoạch phân công giải quyết", ông nói.

Chủ tịch cũng nhắc nhở Văn phòng UBND TP.HCM và Sở Nội vụ chưa hoàn thành một số nhiệm vụ đã giao như chưa trình chỉ thị về quy chế phối hợp giữa các đơn vị, chưa lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc cải cách hành chính... và đề nghị sớm hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 2.

Rút ngắn thủ tục hành chính từ 6 ngày xuống 4 giờ

Liên thông điện tử giữa văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế là kết quả cải cách hành chính nổi bật được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh tại hội nghị.

Theo ông Thắng, trước đây, khi văn phòng đăng ký đất đai của TP.HCM và 24 quận/huyện còn phân tán, người dân phải đi lại tới 7-8 lần giữa các cơ quan hành chính để gửi, nhận giấy tờ. Tuy nhiên, sau khi các văn phòng này được liên thông thành Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (với 22 chi nhánh ở địa phương), thời gian thực hiện thủ tục của người dân được rút ngắn.

Một mô hình nổi bật khác được Phó chủ tịch UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng giới thiệu là giải pháp rút ngắn thời gian đăng ký hộ kinh doanh và tích hợp mã số thuế vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 6 ngày xuống còn 4 giờ. Đây là một trong những mô hình đạt giải 3 Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 2.

cai cach hanh chinh TP.HCM anh 2

Người dân TP.HCM làm thủ tục hành chính trực tiếp tại cơ quan Nhà nước. Ảnh: Quang Huy.

Tính đến tháng 12/2021, tổng số hồ sơ TP.HCM đã giải quyết là hơn 17,8 triệu. Trong đó, 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn (hơn 17,3 triệu hồ sơ), 0,19% quá hạn (hơn 32.000). Thành phố đã thực hiện Thư xin lỗi với 97,02% hồ sơ quá hạn, tập trung vào lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo.

Theo khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM về mức độ hài lòng của người dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư có mức hài lòng chung cải thiện nhất, từ 34 (2020) tăng lên 47 (2021), tăng 13%; Sở Quy hoạch Kiến trúc có mức tăng cao thứ 2 với mức tăng 11%, từ 40 (2020) lên 51 (2021). Địa phương ghi nhận mức hài lòng cao nhất là quận Tân Bình (mức 68), quận 6 (mức 67).

Năm 2022, TP.HCM phấn đấu Chỉ số CCHC thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ từ 98% trở lên; giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư, khiếu nại, tố cáo xuống còn dưới 4%...

Cầu vượt 17 km là cơ hội để Cần Giờ tham gia cuộc chơi kinh tế biển

Huyện Cần Giờ nằm trong một hệ sinh thái kinh tế biển có sẵn và đang rất phát triển ở hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Cầu vượt biển Cần Giờ sẽ là cơ hội để TP.HCM gia nhập cuộc chơi này.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm