UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Nội vụ về tình hình cán bộ, công chức, viên chức, thôi việc.
Theo UBND TP.HCM, có 2 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.
Để kéo giảm tỷ lệ thôi việc, UBND TP.HCM đề xuất nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Hai là tạo cơ hội thăng tiến cho cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý công khai, minh bạch.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh công tác luân chuyển, đưa lãnh đạo, quản lý về cơ sở và ngược lại để rèn luyện; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng.
Giải pháp thứ 3, TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho TP.HCM để phù hợp với khối lượng công việc thực tiễn.
Theo thống kê, TP.HCM tổng cộng có 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức thôi việc theo nguyện vọng. Trong số viên chức nghỉ việc có 2.436 người thuộc lĩnh vực giáo dục; 2.145 người thuộc lĩnh vực y tế và 920 người thuộc các lĩnh vực sự nghiệp khác.
Hiện một công chức ở TP.HCM phục vụ bình quân 346 người. Tỷ lệ này cao gấp hai lần so với các tỉnh, thành khác (152 người). Tại buổi làm việc với TP.HCM trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: "TP.HCM là địa phương duy nhất còn tình trạng dôi dư biên chế công chức, viên chức".
Mỗi công chức tại TP.HCM phục vụ trung bình hơn 300 người. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân giải thích TP.HCM hiện có số công chức, viên chức vượt 5.700 người so với số lượng được Trung ương giao. Tuy nhiên, lượng viên chức chênh lệch đều đang làm việc, không phải dôi dư.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng hồi cuối tháng 7, TP.HCM kiến nghị gỡ vướng về bộ máy cho một địa phương được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nên quy định khung số lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở các cấp.