Triển khai xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và thiết kế xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố là 2 trong số nhiều mục tiêu quan trọng được thành phố đề cập tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sáng 21/4.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đô thị thông minh và khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố là 2 trong số các mục tiêu quan trọng của thành phố. Ảnh: Phúc Minh. |
Bí thư Nhân cho biết 4 mục tiêu chính là đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt và họ cùng các tổ chức xã hội sẽ tham gia quản lý, giám sát.
“Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và xây dựng trung tâm an toàn, an ninh thông tin”, ông Nhân nói.
Ngoài ra, thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng khu đô thị sáng tạo tích hợp 3 quận phía Đông thành phố là quận 2, 9 và Thủ Đức.
Theo ông Nhân, khu vực này tận dụng được các điều kiện sẵn có để phát triểm khu đô thị sáng tạo như khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), khu Công nghệ cao (quận 9) với hiệu quả hoạt động tốt nhất cả nước và 12 trường đại học với hơn 1.500 giảng viên trình độ tiến sĩ và 70.000 sinh viên (quận Thủ Đức).
“Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ là hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nơi đẩy mạnh việc khởi nghiệp sáng tạo”, ông nói.
Thành phố cũng đã ban hành một số nghị quyết như chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố; quy định tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; quy định mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022.
Các nước sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư
Trước mục tiêu triển khai xây dựng thành phố thông minh và khu đô thị sáng tạo phía Đông Sài Gòn của Bí thư Thành ủy, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp các nước như Mỹ, Italia, châu Âu ủng hộ và cho biết sẽ giúp đỡ thành phố.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhiều nước cho biết sẽ ủng hộ TP.HCM trong việc xây dựng thành phố thông minh và khu đô thị sáng tạo. |
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho biết việc xây dựng thành phố thông minh với TP.HCM là cần thiết bởi thành phố đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Trước mắt, cần thêm nhiều sự trao đổi giữa thành phố và các bên liên quan. Tháng 7 tới, chúng tôi cũng sẽ có một hội nghị lớn tổ chức tại TP.HCM về vấn đề này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ việc học hỏi với các thành phố ở Mỹ trong việc xây dựng thành phố thông minh cho các bạn”, ông nói.
Tương tự, phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu ở TP.HCM đánh giá cao sự hợp tác của thành phố trong quan hệ hợp tác đầu tư. Ông và hiệp hội dự định tổ chức hội nghị thành phố thông minh để giới thiệu mô hình với TP.HCM.
“Chúng tôi thảo luận để tìm ra giải pháp xây dựng thành phố thông minh một cách tốt nhất. Chúng tôi quan tâm đến Thủ Thiêm, đường vành đai, metro… cùng sự đổi mới của thành phố để nơi đây thành nơi đáng sống, nơi đến của người tài trong và ngoài nước”, ông phát biểu.
Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu ở TP.HCM cũng khẳng định việc hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh cũng là trách nhiệm của họ. Ông cũng mong muốn thành phố sử dụng hiệu quả nguồn hiện có để kỳ vọng rằng Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn của thế giới khi hiệp định thương mại tự do giữa 2 bên được thông qua.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Italia tại Việt Nam Michele Dercole cho rằng thành phố nên cân nhắc nhu cầu của thành phố và các khu vực lân cận.
“Thành phố thông minh được triển khai sẽ ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh cuộc sống của người dân trên diện rộng. Vì vậy, chúng ta phải đầu tư sao cuộc sống của người dân được hiệu quả”, ông nói.
Đồng thời, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm về Milan, nơi được triển khai thực hiện thành phố thông minh từ năm 2012. Đây được coi là thành phố số và thông minh khi sử dụng thiết bị thông minh để điều khiển giao thông, hệ thống chiếu sáng thông minh… nhằm tiết kiệm nhiều điện.
Thành phố mong sự thông cảm từ doanh nghiệp
Trước mục tiêu này, thành phố đã đạt được một số điều kiện thuận lợi như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 8,25%, đóng góp khoảng 22% tỷ trọng kinh tế cả nước, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện khi thu hút 41.629 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 118.107 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là 6,6 tỷ đôla Mỹ (chiếm 18,4% cả nước).
Khu Đông gồm 3 quận: quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo của thành phố. Ảnh: Lê Quân. |
Tuy nhiên, Bí thư Nhân cũng bày tỏ nhiều lo ngại có thể cản trở việc phát triển kinh tế nói chung của thành phố và việc thực hiện các dự án nói riêng như hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực quá tải trong bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng, biến đổi khí hậu, ngập nước.
Ngoài ra, những khó khăn trong cơ chế cũng được ông Nhân thừa nhận, trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến, nhưng chưa chủ động, đồng bộ và hiệu quả cao nên chưa tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp, người dân.
“Các doanh nghiệp có quyết tâm cao thì chúng ta sẽ cải thiện được khó khăn, nhưng chúng tôi cũng cần có thêm sự thông cảm nữa. Bởi hiện TP.HCM có hơn 10 triệu người và đạt 13 triệu dân trong 5 năm tới. Chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào để đón nhận tất cả những người đến thành phố sinh sống và làm việc mà không phải từ chối bất cứ ai”, Bí thư nói.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi sự chia sẻ và đầu tư từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và giải pháp sáng tạo của các nước tham gia hội nghị.
“Tôi rất mong các doanh nghiệp hãy đến với TP.HCM bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Để thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Bí thư Thành ủy TP.HCM còn mong các doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ, đồng hành và hỗ trợ thành phố triển khai thành công các dự án trọng điểm thông qua việc tư vấn, đầu tư vốn, giải pháp công nghệ đã được áp dụng thành công tại nước mình.
Chia sẻ với doanh nghiệp tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quả quyết cho rằng: “Thành phố trân trọng và chào đón doanh nghiệp nước ngoài khởi nghiệp tại thành phố nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính”.
Ông mong rằng các doanh nghiệp sẽ cùng thành phố đẩy mạnh đầu tư các dự án để xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông, 7 chương trình đột phá của thành phố và 127 dự án trọng điểm của thành phố.