Ý tưởng đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trước đó, nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có là khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2), khu công nghệ cao (quận 9) và nguồn nhân lực chất lượng cao là giảng viên, sinh viên thuộc ĐHQG TP.HCM và các trường lân cận (quận Thủ Đức).
“Xây dựng khu đô thị sáng tạo gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức không chỉ có mối quan hệ về hành chính mà còn là đặc thù phát triển của thành phố. Nếu không kết nối ưu điểm của các quận này thì các ý tưởng khởi nghiệp sẽ không ra được thị trường, gây lãng phí chất xám và giá trị công sản cũng không được sử dụng tối đa”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nói tại hội thảo quốc tế Khu đô thị sáng tạo tại TP.HCM hôm qua 12/4.
Khu Đông hội đủ yếu tố xây dựng đô thị thông minh
Theo ông Tuyến, khu Đông có những lợi thế sẵn có và ngày càng phát triển hơn, như ĐHQG TP.HCM sẽ xây dựng mới và lớn hơn trong thời gian tới. Thủ Thiêm cũng dự kiến thay thế trung tâm thành phố, không kết nối thành một đô thị sáng tạo sẽ gây lãng phí lớn.
Khu Đông gồm 3 quận: quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo của thành phố. Ảnh: Lê Quân. |
“Giao thông trong khu vực cũng phải thực sự thông minh nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong việc di chuyển, kết nối nhiều nơi và làm việc thật sự thoải mái với nhiều không gian sáng tạo”, ông Tuyến nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm trong tương lai, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực, ý tưởng cũng như tài chính vào khu vực này, để xây dựng khu đô thị sáng tạo.
Về mô hình hành chính công, thành phố sẽ xây dựng một chính quyền điện tử trong tương lai. Chính quyền tại khu đô thị sáng tạo phải là một chính quyền mẫu với mọi giao dịch đều thực hiện điện tử, đảm bảo tính minh bạch, hạn chế tối đa được việc tiếp xúc giữa cán bộ với doanh nghiệp.
Trao đổi về điều kiện giao thông và đầu tư tài chính của khu Đông trong việc xây dựng khu đô thị thông minh, ông Nguyễn Đăng Tuyển, Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM, cho biết Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, đường Vành đai 2, quốc lộ 13, quốc lộ 1K… đã và đang đầu tư, nâng cấp tạo thuận lợi kết nối trong và ngoài khu vực.
Xa lộ Hà Nội và nhiều tuyến đường khác giúp kết nối giao thông trong và ngoài khu đô thị sáng tạo trong tương lai. Ảnh: Lê Quân. |
Ngoài ra, khu vực này thuộc hành lang phát triển chính của thành phố và nằm trong các chương trình đột phá, sẽ được đầu tư nhiều hơn so với các quận, huyện khác.
Nhiều rủi ro
Nhưng các chuyên gia cùng nhận định khu vực này đang còn vướng nhiều khó khăn trong việc triển khai, như quỹ đất nhiều nhưng lại tập trung rải rác, nhiều dự án đã có chủ đầu tư. Giá đất tại quận 2, quận 9, Thủ Đức tăng cao với hiện trạng phân lô, bán nền, thậm chí là giá ảo. Hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế và hơn 85% người dân sử dụng phương tiện cá nhân.
GS. Phan Văn Trường, chuyên gia kinh tế đô thị, quy hoạch và đàm phán quốc tế, nhìn nhận khá nhiều hạn chế và cảnh báo rủi ro của đề án. Ông Trường đặt câu hỏi: “Khi xây dựng một đô thị, liệu chúng ta có nghĩ đến ùn tắc giao thông? Tôi nghĩ, trước khi xây dựng một đô thị, chúng ta phải nghĩ trước vấn đề này. Bởi giao thông là mạch máu, là nguồn sống của một đô thị”.
Đánh giá cao ý tưởng xây dựng khu đô thị thông minh của TP.HCM, giáo sư Trường lại cho biết mô hình này cũng tồn tại nhiều rủi ro, cần phải thận trọng khi thực hiện.
“Tôi đã nhìn thấy những đô thị rất rộng nhưng không ai vào. Thử hỏi với 5.000 USD/m2, có ai muốn vào không? Chúng ta phải tạo không gian đáp ứng được những mục tiêu kinh tế, gia đình, thư giãn, sống và hạnh phúc. Như vậy mới là một khu đô thị thông minh”, giáo sư chất vấn.
Lãnh đạo thành phố, các chuyên gia thống nhất dự án khu đô thị thông minh tại 3 quận phía Đông bước đầu sẽ được tiến hành bằng việc đánh giá hiện trạng khu vực, xây dựng đề án quy hoạch và huy động nhiều nguồn lực, mà con người sáng tạo vẫn giữ vai trò cốt lõi.