TP.HCM chìm trong sương vào sáng sớm. Ảnh: Anh Nhàn. |
Từ sáng sớm 2/2, TP.HCM âm u, sương mờ phủ dày khiến tầm nhìn hạn chế. Nhiệt độ khoảng 24 độ C.
Trang AirVisual ghi nhận đa số trạm quan trắc đo được chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động 155-160 đơn vị, ở ngưỡng không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm.
Một số địa điểm ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng cao gồm: Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức (166), Thảo Điền (167); quận Bình Thạnh (169); quận 1 (156).
Nhiều tòa nhà khuất trong sương mờ - đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức. Ảnh: Thư Trần. |
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết ảnh hưởng của khối không khí lạnh, TP.HCM duy trì thời tiết mát mẻ, một số ngày se lạnh vào sáng sớm. Đồng thời, do có rãnh thấp phía nam, kết hợp khối mây từ ngoài biển mang theo đới gió đông hay gọi là gió mùa đông bắc nhiễu động gây mưa trái mùa.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan nhận định thời tiết hiện nay ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp. Do đó, người dân phải che chắn kỹ khi ra đường, đeo kính râm, khẩu trang để đảm bảo sức khỏe.
Mặt khác, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau và vùng biển Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) duy trì gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ cũng bước vào giai đoạn nồm ẩm khi độ ẩm tăng cao trên 85% kèm mưa phùn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng do bụi bẩn không thể khuếch tán. Theo PamAir, nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI dao động 150-200 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.